Thu mua tạm trữ lúa gạo và vấn đề đặt ra
Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 đã đạt kế hoạch đề ra. Trước thực trạng xuất khẩu gạo đang gặp không ít khó khăn, thì đây là một giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường cũng như góp phần bảo đảm cho nông dân có thu nhập ổn định.
Đây là năm thứ 6 thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo. Kế hoạch thu mua tạm trữ là một trong những phương thức hỗ trợ người nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định, phần nào giúp nông dân yên tâm sản xuất. Kế hoạch thu mua lúa gạo tạm trữ năm nay (từ ngày 1/3 đến ngày 15/4) được cho là chủ động nhất và có sự tham gia của các ngân hàng nhiều nhất, với 19 ngân hàng (17 ngân hàng theo kế hoạch, bổ sung thêm 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) được thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ Đông – Xuân năm 2014 – 2015.
Nhờ chủ động triển khai kế hoạch thu mua lúa gạo tạm trữ năm nay, giá lúa đã tăng lên rõ rệt. Trong thời gian thu mua tạm trữ gạo, giá lúa đã tăng lên ở mức bình quân khoảng 4.200 – 5.000 đồng/kg, trong khi giá lúa thu mua tại ruộng vào thời điểm đầu tháng 2 chỉ đạt 3.400 đồng/kg đến 3.800 đồng/kg. Điểm đáng chú ý, tuy giá lúa có tăng trong thời gian thu mua tạm trữ, nhưng về tổng thể, giá đầu vào không ngừng tăng, nhưng giá lúa gạo không tăng tương ứng. Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa vụ Đông Xuân năm 2014 dao động ở mức 4.400 – 5.000 đồng/kg lúa thường và khoảng 4.500 – 5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao; lúa IR50404 tươi có giá dao động chỉ từ 4.000 – 4.100 đồng/kg. Như vậy, giá lúa gạo năm 2015 so với năm 2014 dường như không có sự khác biệt. Có lẽ, lợi nhuận của người nông dân cũng dường như chưa được cải thiện đáng kể.
Tuy kế hoạch thu mua tạm trữ đã hoàn thành, nhưng vấn đề đặt ra là thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian vừa qua có xu hướng giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo quý I/2014 đạt 1,219 triệu tấn, thì quý I/2015 chỉ xuất khẩu được 904.954 tấn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt Nam khó bán bởi đầu ra vẫn chủ yếu phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia… và, các thị trường như châu Phi, những năm qua Việt Nam đã mất dần thị phần vào các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ và Myanmar. Chẳng hạn, đối với thị trường Trung Quốc, từ cuối năm 2014 đến tháng 2/2015, Trung Quốc tuyên bố cấm biên đối với các hoạt động buôn bán gạo tiểu ngạch, nên tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên đình trệ. Tuy Trung Quốc đã nới lỏng việc kinh doanh gạo tiểu ngạch từ tháng 3/2015, nhưng có lẽ chưa thể giúp xuất khẩu gạo sớm khả quan hơn.
Các thị trường lớn của Việt Nam tại châu Á cũng đã thay đổi cách mua gạo vì nguồn cung đang dư thừa, nhất là lượng hàng tồn kho của Thái Lan vẫn ở mức cao, khoảng 17,8 triệu tấn, và nước này đặt mục tiêu bán 10 triệu tấn trong năm 2015 và 7 triệu tấn trong năm 2016. Do vậy, Philippines hay Indonesia không còn mở các gói thầu lớn như trước, mà mở dần dần vì có kho gạo của Thái Lan. Có lẽ những thị trường này kỳ vọng sẽ được đảm bảo trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp.
Nhìn chung, xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng tình hình sẽ có nhiều khả quan hơn do hoạt động chia hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo đi Malaysia với số lượng 240.000 tấn; Việt Nam cũng mới trúng thầu 300.000 tấn cung cấp cho thị trường Philippines; và Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua gạo trở lại. Trung Quốc đã cấp quota nhập gạo cho thương nhân trong nước họ nên tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này đang có xu hướng gia tăng trở lại. Mỗi năm, nước ta có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ 3,5 – 4 triệu tấn gạo – trong đó có đến 1 triệu tấn là qua đường tiểu ngạch. Dự kiến, luỹ kế đến cuối quý II/2015, Việt Nam sẽ tiêu thụ được 3 triệu tấn gạo, xấp xỉ cùng kỳ năm 2014 (đạt 3,003 triệu tấn).
Vấn đề đang đặt ra là từ năm 2016, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, rất có thể các thương hiệu gạo của nhiều nước sẽ tràn vào thị trường nước ta. Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam sản xuất tới 45 triệu tấn lúa (khoảng 26 – 27 triệu tấn gạo), xuất khẩu từ 6 – 7 triệu tấn. Tuy nhiên, sản phẩm gạo Việt Nam nhìn chung thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân loại theo tỷ lệ tấm như 5%, 10%, 15% và 25%. Do vậy, để xuất khẩu gạo bền vững, cần đẩy mạnh xây dựng được các vùng nguyên liệu ổn định, từ đó trồng lúa theo quy chuẩn VietGAP hay GlobalGAP để thực sự xây dựng được thương hiệu. Trước mắt, cần đẩy mạnh liên kết người nông dân với hợp tác xã; liên kết hợp tác xã với các doanh nghiệp để hình thành những cánh đồng lớn.
Tăng cường phương thức liên kết ngang giữa các công ty (như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Việc xây dựng vùng nguyên liệu hiện cần tránh kiểu “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu cần có sự khác biệt để hạn chế rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định. Đẩy mạnh đưa khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo như về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, cũng như giải pháp đối với một số thị trường cụ thể như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Mexico…, cần thực hiện tốt chính sách mua tạm trữ lúa gạo.
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững, tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng sản xuất gắn với tiêu thụ. Có chính sách hiệu quả hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn nhằm cung ứng đầu vào, giải quyết đầu ra. Tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng để tăng tín dụng cho nông dân đầu tư sản xuất. Về lâu dài, cần rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Trong việc giảm bớt các đầu mối xuất khẩu gạo nhằm loại bỏ tình trạng tranh mua tranh, tranh bán, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cần tránh xu hướng tìm các thị trường xuất khẩu những lô lớn các loại gạo chất lượng thấp với giá rẻ, cần tìm kiếm các thị trường ngách các loại gạo có chất lượng cao, với giá bán cao hơn. Trước xu hướng gia tăng cạnh tranh xuất khẩu gạo trên thế giới, cần có biện pháp hữu hiệu hơn để chủ động xuất khẩu được gạo, khắc phục giá thu mua xuất khẩu quyết định giá thu mua lúa của nông dân trong nước, tránh tình trạng giá lúa trong những năm tới bị sụt giảm. Vì, khi đó áp lực với chính sách mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ để giúp đỡ người nông dân sẽ gia tăng, đòi hỏi sự can thiệp ngày càng lớn hơn, dẫn tới những méo mó trên thị trường.
Cần xem xét lại tổng thể vai trò của việc xuất khẩu gạo trong hoạt động ngoại thương, khắc phục khuynh hướng sản xuất lúa gạo dường như bị thiên về phía các nhà xuất khẩu. Xây dựng và hoàn thiện bộ qui trình chuẩn về chế biến và xay xát gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến gạo cần được khuyến khích tuân thủ bộ quy trình chuẩn và tự chịu trách nhiệm trong việc phân loại gạo chế biến theo các tiêu chuẩn phân loại gạo trên thế giới, và ở những mức độ khác nhau, họ cần được các ưu đãi về thuế, vốn,…
Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hơn nữa để người Việt Nam ưu tiên dùng gạo Việt Nam, khi mà năm 2016 dự báo sẽ có nhiều thương hiệu gạo của các nước tràn vào thị trường nội địa. Để đẩy mạnh được việc này, có lẽ cần xem xét đến thuế VAT với tiêu thụ mặt hàng gạo trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương. Vì, các công ty bán gạo trực tiếp cho người tiêu thụ gạo trong nước phải nộp thuế VAT 5%, trong khi bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì không phải nộp. Việc xem xét thuế VAT sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp gạo tạo dựng được các thương hiệu gạo trên thị trường nội địa, giúp cho người dân Việt Nam có cơ hội được tiêu dùng gạo có chất lượng cao hơn. Nhà nước chỉ khôi phục lại thuế VAT với mặt hàng gạo khi việc phân phối gạo trong nước đa phần qua các doanh nghiệp.
Nới lỏng điều kiện trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vì thực tế cho thấy, các điều kiện hiện nay không làm cho gạo của Việt Nam có chất lượng tốt hơn hoặc có giá cao hơn (giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức “đáy” so với giá gạo xuất khẩu của nhiều nước xuất khẩu gạo khác), mà dường như làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thêm “quyền lực” thị trường để áp đặt các điều kiện cho các chủ thể khác và nông dân. Các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây đặc biệt quan tâm tới chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo và đặt ra câu hỏi là liệu việc hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ, doanh nghiệp được hưởng lợi hay là nông dân, mặc dù đây là một chủ trương rất cấp bách nhằm hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất…
Theo CPV
Ý kiến ()