Thu mua tạm trữ lúa gạo, nông dân chưa được hưởng lợi
Nhằm hỗ trợ nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ quy định mua tạm trữ một triệu tấn gạo quy đổi trong thời gian từ ngày 15-6 đến 31-7.
Nhằm hỗ trợ nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ quy định mua tạm trữ một triệu tấn gạo quy đổi trong thời gian từ ngày 15-6 đến 31-7.
Tuy nhiên, sau hơn một tuần thực hiện, tình trạng được mùa mất giá vẫn chưa được khắc phục. Ðiều đáng nói là hàng triệu nông dân vùng “vựa lúa” này đang như ngồi trên đống lửa do lúa gạo sản xuất ra không tiêu thụ được, mặc dù đã có nơi phải bán với giá rẻ như bèo…
Nông dân thua lỗ
Sau gần một tuần triển khai tinh thần thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo quy đổi, giá lúa gạo ở tỉnh An Giang vẫn không hề sáng sủa như những thông tin từ các ngành hữu quan. Hiện, giá giống lúa thường, chủ yếu là giống IR50404 vẫn chỉ dao động cầm chừng ở mức 3.850 đồng đến dưới 4.000 đồng/kg, với lúa hạt dài, thơm cũng chỉ nhỉnh hơn lúa thường từ 120 đồng đến 180 đồng tùy vùng khi thu mua tại ruộng. Ðặc biệt gần mười ngày qua, do ảnh hưởng thời tiết, mưa liên tục, cho nên lúa gạo của bà con đang bị dồn ứ do thương lái kèn cựa, thu mua cầm chừng trong khi độ ẩm cao, gạo hạ chất lượng và đang bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Chị Lâm Ngọc The, chủ ghe mua lúa cho các nhà máy chế biến khu vực tỉnh Tiền Giang đang thu mua vùng Tri Tôn (An Giang) và Hòn Ðất (Kiên Giang) cho biết: “Thật sự mấy ngày qua, báo chí nói chúng tôi ép giá nông dân khổ thiệt. Lúa mua bán được giá cao ai không mừng. Bản thân gia đình tôi cũng có đất ở bên Long An, cũng đang thu hoạch có bán được giá cao đâu. Giá cũng như bên này thôi. Hiện, mỗi ngày chúng tôi đều liên tục cập nhật mức giá từ các doanh nghiệp tư nhân xay xát gạo. Họ kêu mua bao nhiêu thì chúng tôi cộng thêm chi phí, giá lúa đã mua trước của lúa trong ghe rồi nghe ngóng mấy ghe chung quanh để cò kè thêm vài đồng/kg”.
Ðồng quan điểm nêu trên, anh Phan Văn Chuyển, cò lúa hơn 10 năm, nhà ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết thêm: “Thông tin mua tạm trữ ra gần một tuần nhưng có thấy doanh nghiệp nâng giá đâu mà cánh có lúa, ghe dám mua cao. Năm nào cũng vậy, hễ có thông tin nêu trên thì giá hai, ba ngày đầu lên được vài đồng đến một hai trăm đồng rồi cũng hạ lại thôi. Bơm tiền mua tạm trữ chứ đúng hơn là đưa tiền cho doanh nghiệp còn tiếng xấu nhận giá thì chính những con buôn nhỏ lẻ phải gánh oan ức”. Sáng 22-6, vừa cắt xong 10 công tầm cắt (khoảng 13 công nhà nước 1.000 m2) tại xã An Tức (huyện Tri Tôn, An Giang), ông Nguyễn Văn Chước như ngồi trên đống lửa khi gặp mưa già, lúa không bán được do độ ẩm quá cao mà vận chuyển về cũng có nắng đâu mà phơi, trong khi tất cả các chi phí cho vụ mùa đang đè nặng lên vai. “Lỗ nặng, kiểu này có nước bán đất đi Bình Dương làm công nhân thôi. Nhà nước nói cho lãi 30% mà có thấy đâu, chỉ thấy hễ đưa ra thu mua tạm trữ thì giá chỉ nhỉnh lên vài đồng rồi tiếp tục thấp lè tè. Với chi phí sản xuất bây giờ, chưa kể công làm thì mức giá 4.500 đồng/kg còn lỗ, huống hồ chỉ gần bốn nghìn đồng như giờ”. Tình cảnh của ông Chước cũng là cảnh chung của hàng trăm nghìn hộ dân tại tỉnh An Giang nói riêng và hàng triệu bà con nông dân vùng ÐBSCL nói chung đang khốn đốn mấy niên vụ lúa liên tục mà chưa hề có một biện pháp căn cơ nào giải quyết.
Còn tại thị xã biên giới Tân Châu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phan Văn Dũng than phiền: “Hiện, giá lúa thường ở đây chỉ mức 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kg mà thương lái còn chê lên, chê xuống do gặp thời tiết mưa gió. Ði đến đâu cũng nghe than mà rát ruột. Còn phía doanh nghiệp thì mình có chế tài gì đâu mà kiểm tra coi vì sao họ không nâng giá, rồi họ còn trong kho bao nhiêu lúa, bao nhiêu gạo, rồi có bắt buộc họ phải mua lúa của dân địa phương hay chỗ nào, chỗ khác đâu, cho nên không có cách nào khắc phục”. Vụ hè thu này, Tân Châu xuống giống khoảng 13 nghìn ha, hiện chỉ mới thu hoạch 10% diện tích và kỳ thu hoạch rộ cũng sẽ trùng với nhiều nơi trong tỉnh, cho nên khó hy vọng có giá lúa cao. Cùng chung số phận với Tân Châu, huyện An Phú cũng chỉ có khoảng 15% lúa hè thu đang thu hoạch trên tổng diện tích gieo cấy hơn 13.500 ha. Hiện, giá lúa cũng chỉ dao động dưới mức 3.900 đồng/kg. “Với giá lúa này chắc là lỗ to. Chính quyền sở tại hiện đã bó tay, không còn cách nào gỡ khi tất cả đều vượt quá tầm kiểm soát của địa phương, trong khi cấp trên vẫn chưa thể có phương cách cứu vãn thì vẫn cứ phó mặc mà thôi” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thao bức xúc.
Vụ hè thu năm 2013, tỉnh Ðồng Tháp xuống giống gần 199 nghìn ha, năng suất bình quân sáu tấn/ha, ước sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. Tính đến ngày 15-6, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 61% diện tích. Thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá lúa IR 50404 bán ra chỉ từ 3.700 đến 3.800 đồng/kg, lúa chất lượng cao cũng chỉ 4.000 đến 4.050 đồng/kg. Khi có thông tin mua tạm trữ, giá lúa có nhích lên được 100 đồng/kg, rồi bình trở lại cho tới nay. Với giá này, nông dân bị thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ ấp 4, xã Ðốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, Ðồng Tháp) cho biết: “Giá thấp nhưng muốn bán cũng không dễ. Hai ngày trước có một số thương lái chạy ghe đến, nhưng chỉ hỏi qua loa, mua được thì mua, không thì xô ghe đi”. Bà Ðặng Thị Huệ nhà gần đó cũng buồn bã: “Vì phải trả tiền vật tư nông nghiệp và chi phí thu hoạch, cho nên buộc phải bấm bụng bán lúa IR 50404 với giá chỉ 3.800 đồng/kg. Dù giá này cầm chắc lỗ nhưng giữ lại thì không có điều kiện phơi sấy”. Ở huyện Cao Lãnh tình hình cũng tương tự. Nhiều nông dân đã thu hoạch lúa chất đống hai bên đường giao thông nhưng chẳng thấy bóng dáng thương lái nào.
Cơ chế thiếu minh bạch
Cơ chế thiếu minh bạch, do đó, mọi diễn biến của thị trường lúa gạo ÐBSCL nói riêng, mặt hàng nông sản nói chung đều rơi vào thiểu số nhóm lợi ích của các doanh nghiệp. Giá thu mua bị thao túng chính là bức xúc chung của tất cả chính quyền địa phương, các cấp lẫn bà con nông dân, tư thương thu gom hàng sáo. Chị The bày tỏ: “Nếu nói hàng sáo ép giá thì ép để làm chi khi mà chuyện mua bán luôn phải cạnh tranh, đâu có chuyện ai bắt tay ai khi chúng tôi đều đi ghe làm ăn nhỏ lẻ. Muốn tồn tại ở vùng nào mua lúa nhiều năm thì uy tín phải đặt hàng đầu, còn không năm sau đến ai bán mà mua. Giá cả có ép chính là do các công ty lớn. Họ đưa ra giá bao nhiêu, chúng tôi cộng thêm khoản khác mới tiến hành thu mua. Họ không đưa cao, hay ghìm giá thì có trời mà biết. Còn chuyện được hỗ trợ tiền tỷ, nói thật có trời mà biết họ dùng thế nào”. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Ðồng Tháp Phan Kim Sa, việc thu mua tạm trữ hiện còn nhiều bất hợp lý: Thứ nhất là thời gian thu mua. Trước đây các tỉnh vùng ÐBSCL đã từng đấu tranh việc lấy bình quân thời điểm thu hoạch toàn vùng áp cho tất cả các tỉnh, vì các tỉnh vùng đầu nguồn để né lũ buộc phải xuống giống sớm. Thứ hai là về phân bổ mua tạm trữ. VFA nói phân cho những DN có năng lực, bảo đảm tiêu thụ được nhưng thực tế có một số DN không đủ năng lực nhưng vẫn được giao chỉ tiêu mua tạm trữ… Thứ ba, đúng ra khi phân công DN chỉ tiêu thu mua thì ít ra phải xem DN đó có hợp đồng tập trung rồi mới phân công chỉ tiêu, còn đằng này có DN không có hợp đồng tập trung vẫn được giao chỉ tiêu, trong khi DN có hợp đồng lại không được giao. Dạng phân bổ “ưu tiên” như thế có nên đặt vấn đề lợi ích nhóm ?”.
Thực tế nhiều năm qua, tại An Giang cũng như hầu hết các tỉnh khu vực ÐBSCL, vấn đề giá lúa trồi sụt bất thường tưởng chừng không có quy luật cụ thể nhưng thực tế đều nằm trong tầm kiểm soát của các doanh nghiệp lớn. Năm nay, tỉnh An Giang đã thu hoạch lúa hè thu hơn 16 nghìn ha/234.399 ha tổng diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 5,53 tấn/ha. Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh An Giang, vụ lúa hè thu năm 2013, tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 130 nghìn tấn. Tỉnh phân bổ cho 13 đơn vị và hiện con số thống kê cụ thể sau khoảng một tuần tiến hành đang được ngành chức năng tập hợp. Do đó, để công bố con số thống kê chính thức chưa thể.
Ðây cũng là thực tế, dẫu có công bố số liệu chính thức con số thu mua tạm trữ của 13 doanh nghiệp thì độ tin cậy của số liệu trên là rất thấp. “Ai dám bảo đảm số liệu chính xác khi nó liên quan trực tiếp đến yếu tố kinh doanh, cạnh tranh lẫn nhau của các doanh nghiệp. Chưa có chế tài cụ thể thì chưa thể nào kiểm soát nổi việc thu mua tạm trữ lúa gạo hay bất kỳ mặt hàng nào khác”. – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị bức xúc.
Cần có giải pháp căn cơ
Sẽ không thể có giải pháp căn cơ nào khác trong vấn đề giá cả nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng mà không đi vào quy hoạch lại sản xuất, thị trường tiêu thụ. Lúa gạo nhiều năm qua trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược, nguồn thu nhập chính của hàng triệu nông dân và liên quan trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu, an ninh lương thực. Tuy nhiên, không vì thế mà nơi nơi cùng mở vụ ba, đất trồng màu cũng sang trồng lúa, nuôi tôm cũng sang đất lúa… hay cả chuyện khuyến khích giữ lúa với vài chục nghìn đồng hỗ trợ. Trước mắt, cần mạnh tay giải phẫu khối u là vấn đề con người điều hành chiến lược phát triển, quy hoạch sản xuất trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Mạnh tay chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không nhất thiết phải mở lúa vụ ba đại trà mà không tính đến đầu ra của nó. Hiện, canh tác lúa ở ÐBSCL đã quay vòng quanh năm suốt tháng, do đó lúa gạo liên tục được làm ra và doanh nghiệp cũng dồn ứ hàng quanh năm suốt tháng. Do vậy, không gì khác hơn là cần quy hoạch lại sản xuất lúa gạo ngay từ bây giờ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Nguyễn Văn Thao chia sẻ: Nông dân bây giờ thấy có lợi họ mới làm, thiệt hại ai mà muốn. Do đó, muốn quy hoạch lại sản xuất bền vững cần quy hoạch cả thị trường tiêu thụ ổn định. Nếu giá lúa quá thấp, thấp hơn giá thành sản xuất thì nông dân cần gì phải làm mà không chuyển dịch sang ngành nghề khác. Do đó, tái cơ cấu sản xuất cần tái cơ cấu cả thị trường tiêu thụ và chuỗi giá trị hàng hóa của chính nó. Chủ trương quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được đề ra,nhưng với cách tiến hành ì ạch và chuyện điều hành giá lúa theo kiểu giải quyết tức thì phần ngọn như hiện nay bằng cách giá thấp tung ra gói hỗ trợ, kích cầu… thì rất khó,hay đúng hơn là không thể nào có nền nông nghiệp bền vững và riêng giá lúa gạo thì người trồng lúa chỉ có thể hưởng lợi 30% từ trong giấc mơ mà thôi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()