Thu mua cà-phê ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp thua trên sân nhà
Đóng bao cà-phê xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, nơi có sản lượng cà-phê nhiều nhất nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua hơn 60% sản lượng cà-phê của tỉnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thu mua cà-phê xuất khẩu trên địa bàn không mua đủ hàng theo kế hoạch, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị vỡ hợp đồng với đối tác. Phải chăng các doanh nghiệp trong nước đã thua ngay trên sân nhà?Tìm hiểu việc thu mua để xuất khẩu từ đầu vụ cà-phê 2012 đến nay được biết, nhiều doanh nghiệp thu mua cà-phê xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đác Lắc như Công ty cà-phê Tây Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9, Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đác Lắc... đều không mua được đủ nguồn hàng cà-phê xuất khẩu theo kế hoạch. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà-phê trong nước còn bị động, vỡ hợp đồng vì không có đủ nguồn hàng giao cho các đối tác theo đúng...
Đóng bao cà-phê xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9. |
Tìm hiểu việc thu mua để xuất khẩu từ đầu vụ cà-phê 2012 đến nay được biết, nhiều doanh nghiệp thu mua cà-phê xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đác Lắc như Công ty cà-phê Tây Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9, Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đác Lắc… đều không mua được đủ nguồn hàng cà-phê xuất khẩu theo kế hoạch. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà-phê trong nước còn bị động, vỡ hợp đồng vì không có đủ nguồn hàng giao cho các đối tác theo đúng kế hoạch. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Trần Hiếu, nguyên nhân là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có vốn lớn, lãi suất vay USD thấp, trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà-phê trong nước vốn ít, lãi vay ngân hàng lại quá cao, có lúc cao gấp sáu, bảy lần so với vốn vay của các doanh nghiệp FDI. Ngay khi bước vào vụ thu hoạch cà-phê, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực vốn mạnh đã nâng giá và thông qua các đại lý tổ chức gom hàng ồ ạt.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời điểm thu mua cà-phê rộ nhất ở Đác Lắc cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt việc cho vay tín dụng, lãi suất tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền để mua cà-phê của bà con nông dân. Có thể nói, phần lớn các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên đều vay vốn của ngân hàng để thu mua, trong lúc đó, tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu cà-phê chỉ đạt khoảng 0,05%/lần quay vốn (một doanh nghiệp nhiều nhất cũng chỉ đạt 10 lần quay vốn/năm) và lãi suất như hiện nay càng làm cho doanh nghiệp trong nước thêm khó khăn. Nếu không sớm khắc phục, để tình trạng này kéo dài thì nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên dễ rơi vào nguy cơ phá sản vì không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn FDI.
Tây Nguyên là “thủ phủ” cà-phê của nước ta, tại đây, các doanh nghiệp FDI (có 100% vốn đầu tư nước ngoài) từ chỗ chiếm khoảng 50% trong năm 2011, thì nay khoảng 60% thị phần cà-phê trong sáu tháng đầu năm. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê nước ta trong việc tìm nguồn hàng xuất khẩu. Về lâu dài, có nguy cơ các DN FDI quay lại chi phối thị trường cà-phê Việt Nam. Các DN FDI trên địa bàn tỉnh Đác Lắc và Gia Lai đã “lách” Nghị định 23/2007 của Chính phủ (chỉ được thu mua cà-phê thông qua các DN hoặc đại lý của người Việt Nam) bằng cách thu mua cà-phê của nông dân qua các đại lý trung gian, hợp tác xã, DN tư nhân… Năm 2011, ở Đác Lắc chỉ có sáu DN FDI tham gia thu mua cà-phê. Nhưng năm nay, đã có tám DN FDI thu mua cà-phê của tỉnh gồm: Công ty cà-phê Ngon, chi nhánh Công ty Louis Dreyfus Commodities, Công ty Dakman, Công ty Amazaro VN, chi nhánh Công ty Newman Group, chi nhánh Công ty Olam Việt Nam, chi nhánh Công ty Hà Lan Việt Nam và chi nhánh Công ty Vĩnh An. Cùng với sự gia tăng về số lượng, các DN FDI cũng gia tăng chiếm lĩnh thị trường. Như vụ 2009-2010, Công ty Vĩnh An chỉ thu mua khoảng 4.000 tấn, Công ty Amajazo 7.000 tấn và Công ty Olam 23 nghìn tấn cà-phê trên địa bàn tỉnh Đác Lắc. Vụ 2010-2011, Công ty Vĩnh An đã thu mua hơn 14.000 tấn, Công ty Amajazo thu mua 19.000 tấn và Công ty Olam thu mua 58 nghìn tấn. Ở Gia Lai, DN FDI cũng đã mua hơn 60% sản lượng cà-phê của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay. Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Huỳnh Ngọc Tục cho biết: Điểm mạnh nhất của các DN FDI cũng chính là điểm yếu nhất của DN trong nước. Dễ hiểu là các DN FDI có lợi thế vốn lớn, được hưởng mức lãi suất cho vay của nước sở tại thấp, trong khi các DN trong nước khó tiếp cận được vốn vay do chính sách thắt chặt tiền tệ, hoặc nếu có vay được cũng phải chịu mức lãi suất quá cao… Ngoài ra, DN trong nước chưa có khả năng bán hàng trực tiếp cho các nhà rang xay cà-phê quốc tế cho nên buộc phải thông qua trung gian, đội thêm chi phí. Trong khi đó, DN FDI không phải thông qua môi giới cho nên có thu mua với giá cao hơn và dễ dàng nắm được nguồn nguyên liệu.
Việc các DN FDI thông qua các đại lý thu mua cà-phê để gom hàng đã tạo ra cuộc cạnh tranh về giá và người trồng cà-phê được hưởng lợi. Nhưng một khi DN FDI đã loại bỏ được các DN xuất khẩu cà-phê trong nước thì sẽ quay lại làm giá ngay tại thị trường cà-phê Việt Nam. Điều này đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời bảo vệ DN trong nước, thị trường cà-phê nước ta sẽ rơi vào tay các DN FDI trong những năm tới là điều thấy rõ. Theo thống kê của Bộ NN và PTNN, các DN FDI đã thu mua gần 60% tổng lượng cà-phê của Việt Nam trong năm 2011, tương đương 600 nghìn tấn/năm. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà-phê xuất khẩu tại Việt Nam và đẩy DN xuất khẩu cà-phê trong nước vào thế bị động. Vì thế, đã đến lúc các DN trong nước cần cải tổ bộ máy và cơ chế hoạt động và Chính phủ cần có chính sách phù hợp thì mới cạnh tranh được với DN FDI tránh tình trạng không bị thua ngay trên sân nhà.
Theo Nhandan
Ý kiến ()