Thu hút vốn đầu tư Nhật Bản vào thị trường chứng khoán
Để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán (TTCK), thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang cổ phần hóa, Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công, bao gồm cả ngân hàng xuống không quá 65%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định như vậy tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, với chủ đề “Việt Nam – điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản”, được tổ chức tại Nhật Bản, ngày 25-4.
Trong thành phần của đoàn Việt Nam sang Nhật Bản tổ chức hội nghị lần này, bên cạnh các cơ quan hữu quan của Bộ Tài chính như Ủy banchứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) còn có có lãnh đạo các DNNN lớn sắp cổ phần hóa như Vietnam Airlines, Vinatex, Vinacomin, Vinalines, VNPT…
Trong phiên thảo luận về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là cơ hội từ quá trình cổ phần hóa DNNN, các nhà đầu tư Nhật Bản đã được đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính cung cấp những kết quả cơ bản của tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, tại Việt Nam, sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng tăng cao, dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp và kiều hối đều tăng trưởng (chỉ trong ba năm qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, ước đạt 32 tỷ USD cuối năm 2013). Quý I-2014, tăng trưởng GDP đạt 4,96% – mức tăng cao nhất trong ba năm trở lại đây. Với sự khởi sắc của nền kinh tế, TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I khi VN- Indextăng 22%, HNX-Index tăng hơn 30%, đưa Việt Nam trở thành nước có mức độ phục hồi của TTCK mạnh nhất thế giới.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hiện trên TTCK Việt Nam đã có khoảng 6.700 nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản mở tài khoản, chiếm 43% tổng số nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Về phía nhà đầu tư tổ chức, lượng nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vào khoảng 140 tổ chức, chiếm khoảng 6% tổng số tài khoản nhà đầu tư tổ chức, trong đó có nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn. Tuy nhiên, điều lớn hơn là với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ góp vốn, mà còn hỗ trợ về công nghệ, tri thức cho các DN Việt Nam.
“Đây là một trong những lý do khiến Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam rất chú trọng thu hút dòng vốn từ Nhật Bản tham gia vào TTCK và công cuộc tái cấu trúc khối DNNN đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay” – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nói.
Liên quan đến quá trình tái cấu trúc DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Các vấn đề pháp lý, chính sách nhằm đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN đã và đang được hoàn chỉnh.
Để thu hút dòng vốn ngoại, Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công bao gồm cả ngân hàng xuống không quá 65%. Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, mức hạn chế hiện nay là nhà đầu tư ngoại được sở hữu đến 49% vốn của các DN niêm yết, riêng khối ngân hàng niêm yết chỉ được sở hữu tối đa 30%.
Tại các phiên thảo luận, một trong những câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản là chính sách thuế cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vào DN và TTCK Việt Nam như thế nào. Trả lời vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Lưu Đức Huy cho biết, các hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, còn với thuế thu nhập DN hiện có mức thuế 22%. Với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, sẽ thu thuế theo phương thức thuế nhà thầu, với mức thu 0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng.
“Việt Nam đã bỏ các loại thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, theo đó, nhà đầu tư khi đã nộp các thuế trên, nếu chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, không phải nộp thuế khác nữa. Đây cũng là điểm mà chúng tôi mong muốn tạo thuận lợi hơn cho dòng chảy vốn ngoại vào DN và TTCK Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Lưu Đức Huy nói.
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn chia sẻ, Chính phủ Việt Nam luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công cuộc cải cách nền kinh tế, đặc biệt là cải cách khối DNNN và hệ thống ngân hàng, TTCK, trong đó chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các DNNN đang cổ phần hóa. “Thông điệp mà Chính phủ chúng tôi gửi đến xã hội, gửi đến các nhà đầu tư là cổ phần hóa DNNN trong hai năm tới phải được thực hiện rất thực chất, hiệu quả, để đổi mới mạnh mẽ DNNN. Cơ chế chính sách cũng tiếp tục sửa đổi cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Các nhà đầu tư hãy yên tâm, cơ hội lớn đang mở ra cho các bạn” – Phó chủ nhiệm Phạm Viết Muôn khẳng định.
Việt Nam đang gắn cổ phần hóa với hoạt động của TTCK trong quá trình thúc đẩy tái cấu trúc TTCK. Tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản trị công ty, tái cấu trúc các cơ sở nhà đầu tư, hình thành các quỹ đầu tư, phát triển thị trường chưa niêm yết, TTCK phái sinh; tăng hiệu quả hoạt động của hai sàn HOSE và HNX… Trong quá trình này, Việt Nam luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc DNNN và sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tham gia.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()