Thu hút nguồn lực phát triển cấp thoát nước
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 100 doanh nghiệp (DN) cấp nước, quản lý hơn 500 hệ thống cấp nước lớn nhỏ tại các đô thị trên cả nước. Tỷ lệ người dân được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 81,5%, tăng 1,5% so với năm 2014. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước giảm còn khoảng 25%, đạt mục tiêu đặt ra trong định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải còn thấp, mới đạt khoảng 10% tính theo công suất vận hành thực tế với 30 nhà máy đang hoạt động và khoảng 40 nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Có thể nói, chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được triển khai hiệu quả, nhưng đứng trước tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, ngành cấp thoát nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng nước tại một số trạm còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu; mạng lưới đường ống xuống cấp, bị chất thải xâm nhập. Hiện nay, tình trạng mất nước vẫn xảy ra tại nhiều nơi và sau khi được cấp trở lại thường lẫn tạp chất, thậm chí một số nơi nước đục ngầu, không bảo đảm vệ sinh an toàn cho người sử dụng. Các phương án dự phòng cấp nước khi xảy ra sự cố mất nước còn chậm, đơn cử, những lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà, nhiều hộ dân không có nước sinh hoạt trong nhiều ngày và khi mùa hè sắp đến sẽ càng nghiêm trọng hơn,… Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước riêng và chung chưa được xây dựng hoặc chưa hoàn chỉnh đồng bộ, xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng khả năng tiêu thoát nước, dễ xảy ra ngập lụt cục bộ khi mưa lớn. Nguồn nước thải, nhất là tại các khu công nghiệp không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm. Vấn đề nữa là biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến công tác cấp thoát nước, triều cường tại các tỉnh Nam Bộ, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên…, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của các đô thị.
Trước hàng loạt khó khăn, thách thức như trên, ngành cấp thoát nước cần có các giải pháp tổng thể, hài hòa từ cấp nước sạch, thoát nước mưa, nước thải đến xử lý rác thải để tránh ảnh hưởng nguồn nước. Phải coi nguồn nước là nguồn tài nguyên hữu hạn để có cách ứng xử hợp lý. Hiện nay, công tác cấp thoát nước chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách và vốn ODA, trong khi hầu hết các hệ thống cấp thoát nước đã sử dụng hàng chục năm qua, xuống cấp, cần bảo trì, sửa chữa, thay mới. Các chính sách ưu đãi cho các DN tham gia lĩnh vực này còn chung chung và thực tế nhiều DN khó tiếp cận nguồn vốn, vẫn phải vay theo lãi suất thương mại. Do vậy, cần tăng cường tìm kiếm nguồn lực và hợp tác với các đối tác trong nước, nước ngoài để phát triển ngành nước đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực dành cho đầu tư ngành nước, nghiên cứu áp dụng các hình thức đầu tư mới theo phương thức BT, BOT, PPP,… Ngoài ra, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành cấp thoát nước từ khâu đào tạo, quản lý và vận hành hệ thống, vì hiện nay đội ngũ này còn thiếu kinh nghiệm thực tế và khả năng dự báo, nhất là trước tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()