Thu hút người dân tham gia BHYT: Cần thêm nhiều giải pháp thiết thực
LSO-Theo thống kê, hiện tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là 667.847 người, chiếm 89% dân số toàn tỉnh.
LSO-Theo thống kê, hiện tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là 667.847 người, chiếm 89% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên các đối tượng tham gia mua BHYT còn chưa tập trung, đối tượng tự nguyện tham gia còn thấp, đặc biệt là đối tượng hộ cận nghèo chưa thực sự tích cực tham gia BHYT. Để toàn dân cùng tham gia vào BHYT cần tăng tính hấp dẫn của BHYT.
Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh |
Tại tuyến tỉnh, cơ sở có số lượng người đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đông nhất là ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, số đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu hiện tại là 25.000 thẻ, kinh phí chiếm 69% của bệnh viện. Bác sỹ Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết, người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện gồm người khám có thẻ BHYT và người khám dịch vụ. Do đó, bệnh viện chú trọng cải tiến quy trình khám, chữa bệnh để tạo thuận lợi cho nhu cầu của người dân, không có sự phân biệt giữa khám BHYT và khám dịch vụ.
Tuy vậy, để nói rằng bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì cũng không hoàn toàn đúng. Là bệnh viện loại II nên Đa khoa Trung tâm tỉnh vẫn còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục thì mới thực sự đáp ứng được mong mỏi của người dân. Không ít người cho rằng việc người dân tham gia khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại đây nhiều cũng vì đây là bệnh viện lớn nhất toàn tỉnh mà thôi. Vừa qua, vào ngày 23/8/2013, trong chuyến công tác tại Lạng Sơn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, BHYT là chính sách hết sức nhân đạo và có sự chia sẻ cộng đồng. Trước khi ban hành Luật BHYT, BHYT mới chỉ bao phủ 46% dân số. Tới cuối 2012, BHYT đã bao phủ 67% tổng số dân toàn quốc. Người dân tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt quyền lợi của người tham gia được đảm bảo và mở rộng nhiều. Tuy nhiên, yếu tố chính khiến BHYT chưa “phủ sóng” hết trên toàn dân là do chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương chưa thực sự toàn diện và đồng bộ. Số người dân tham gia BHYT chiếm đến 89% dân số toàn tỉnh là con số khá ấn tượng đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn. Nhưng như đã nêu ở trên, thành phần tham gia BHYT lại chưa đồng đều. Đặc biệt, với các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn, lượng tham gia chưa nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó trình độ bác sỹ, kỹ thuật, hệ thống máy móc giữa các tuyến còn chênh lệnh cũng khiến người dân ở tuyến xã vẫn chưa mặn mà khám chữa bệnh bằng BHYT ngay tại tuyến cơ sở. Như người dân ở xã đến trạm khám điều trị không có dịch vụ nào ngoài mấy viên thuốc, kể cả bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh khi bệnh nhân đến điều trị thì các dịch vụ kỹ thuật cao cũng không có, do vậy người dân lại phải chọn cách đi tỉnh ngoài khám với dịch vụ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, thói quen khám bệnh của người dân tại địa phương vẫn còn rất ít, tỷ suất khám của người dân trong tỉnh, trung bình vào khoảng 0,88 lần/người/năm. Còn một nguyên nhân khác nữa là, các dịch vụ cung ứng cho BHYT tại tỉnh ta còn ít, điều này khiến việc thu hút người dân tham gia BHYT tự nguyện không cao. Chính vì vậy, để thu hút nhiều người tham gia BHYT hơn nữa thì chính các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động nâng cao năng lực của đơn vị, từ chuyên môn, máy móc đến cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nhu cầu mà người tham gia BHYT mong muốn.
Điều cần thiết và có tính quyết định khi muốn tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT là phải tăng tính hấp dẫn của BHYT. Tức là, ngành y tế cần phải tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Mở rộng và bảo đảm các quyền lợi của bệnh nhân BHYT. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để các địa phương, đơn vị và từng người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực của BHYT toàn dân, coi tỷ lệ người dân tham gia BHYT như là một chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, đi sâu phát triển các kỹ thuật mới, mở rộng các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hạn chế tối đa số người bệnh phải chuyển tuyến trên, đây là một trong các giải pháp tiên quyết thu hút người dân tham gia BHYT.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()