Người lao động tìm việc làm tại khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Khó tuyển lao động
Dù chưa vào thời điểm cuối năm nhưng rất nhiều DN cả trong và ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TP Hồ Chí Minh đã treo băng-rôn tuyển dụng lao động (LĐ) một cách rầm rộ. Qua tìm hiểu, chúng tôi đều nhận được câu trả lời từ các DN: Việc tuyển dụng LĐ vào thời điểm hiện tại gặp rất nhiều khó khăn, cả LĐ tay nghề cao và LĐ giản đơn. Trước cổng Công ty may mặc Kollan & Hugo Knit (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), trong nhiều ngày qua treo tấm băng-rôn lớn với nội dung rất hấp dẫn: “Lương cao, thu nhập ổn định, công nhân có tay nghề, nhiều khoản trợ cấp: nhàtrọ, tiền ăn, chuyên cần, cương vị…, có thể đạt 5,6 triệu đồng trở lên, phúc lợi nhiều”. Ngoài ra, để thu hút NLĐ, công ty này đã đưa mức thưởng cho công nhân mới vào làm từ 200 đến 400 nghìn đồng/người. Thậm chí, thưởng đến 200 nghìn đồng cho ai giới thiệu được công nhân vào làm việc. Tuy vậy, theo một cán bộ tuyển dụng của công ty: “Mỗi ngàycũng chỉ nhận được nhiều lắm là vài chục hồ sơ, mặc dù chúng tôi chấp nhận tuyển cả NLĐ chưa có tay nghề để đào tạo từ đầu”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các KCX-KCN Tân Thuận, Linh Trung 2, Tân Tạo, Tân Bình. Nhiều công ty trưng biển tuyển LĐ với nhiều ưu đãi: Lương cơ bản từ 2,3 triệu đồng/tháng trở lên. Các mức trợ cấp về chuyên cần, tăng ca… từ 40 đến 80 nghìn đồng. Tiền thưởng sản lượng ở mức từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể tuyển dụng đủ số LĐ cần. Ông Trịnh Quốc Thẩm, Giám đốc Công ty Yujin Kreves Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn ở trong tình trạng thiếu từ 500 đến 600 lao động. Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn hàngcủa công ty phải đình lại do không đủ nhân công. Toàn bộ công nhân làm ca đêm phải chuyển sang làm ca ngàymới thực hiện đủ năng suất”. Không chỉ các KCN, KCX tại TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng thiếu LĐ, mà các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, cũng lâm vào tình cảnh tương tự, cho dù những địa phương này được xem là nơi thu hút nguồn LĐ rất tốt.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ở các KCX-KCN, có đến 70 nghìn công nhân nghỉ việc, trong khi đó, các DN chỉ tuyển được khoảng 60 nghìn lao động. Lượng LĐ thay đổi thường xuyên chính là nguyên nhân lớn nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Nhiều DN ở các tỉnh phía bắc cũng trong tình trạng “đói” nhân công, nhất là trong các ngành da giày, may mặc, chế biến thủy sản. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giày Đông Anh (Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Nhu cầu cố định của công ty khoảng hơn ba nghìn lao động. Tuy nhiên, hiện tại công ty chỉ có gần 2.500 LĐ. Số LĐ này luôn biến động, ra vào liên tục. Rất nhiều trường hợp ra, vào công ty hai, ba lần, thậm chí năm, sáu lần. Điều này không chỉ gây mất ổn định trong sản xuất, kinh doanh của công ty mà còn khiến việc theo dõi LĐ, lo bảo đảm chế độ, chính sách đúng pháp luật cho NLĐ rất vất vả. Trong khi NLĐ chưa ý thức được rằng việc gắn bó lâu dài với DN khiến họ có thể được những chế độ đãi ngộ tốt hơn”.
Mâu thuẫn cung – cầu mang tính chất cục bộ
Tổng hợp mới đây của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) từ 41/63 địa phương báo cáo về nhu cầu tuyển dụng LĐ năm 2011 của 54.418 DN cho thấy, số LĐ cần tuyển là 1.002.448 người, tập trung vào một số ngành như: Cơ khí, điện, điện tử, gia công các mặt hàng giày da, may mặc… Cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Hải Vân nhận định: Nghịch lý mất cân đối cung – cầu LĐ tại nướcta mang tính chất cục bộ. Đó là sự quá tải của thị trường LĐ tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, tập trung ở một số tỉnh có nhiều KCN, KCX như Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nơi cung không đáp ứng được cầu (kể cả LĐ có kỹ năng), tạo nguy cơ thiếu nguồn LĐ lâu dài, đặc biệt sau khi có dòng di chuyển của nhiều LĐ di cư trở lại nông thôn do tác động khủng hoảng kinh tế cũng như sự xuất hiện của các KCN-KCX tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, một số tỉnh lại dư cung LĐ, đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao như: Bạc Liêu, Ninh Thuận, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định… Một trong những nguyên nhân tạo ra nghịch lý này là do giá cả các mặt hàngtăng mạnh, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, các DN, nhàđầu tư gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Mức lương của NLĐ quá thấp, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ. Thu nhập không bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, dẫn tới tình trạng công nhân “nhảy” việc, tìm kiếm cơ hội việc làm mới với đồng lương cao hơn. Một bộ phận công nhân trở về quê hương làm việc tại các DN gần nhànhằm tiết kiệm các chi phí về thuê nhà, đi lại…”. Trong khi đó, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Công đoàn Công thương Việt Nam), Nguyễn Bá Mộc lại cho rằng: “Bản thân NLĐ cũng góp phần tạo nên nghịch lý thiếu – thừa ấy. Phần lớn NLĐ vào làm công nhân tại các KCN, KCX xuất thân từ đồng ruộng, ra thành phố tìm kiếm việc làm để thoát khỏi tình trạng “chân lấm, tay bùn” vì thế họ bất chấp các điều kiện về lương bổng, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và các quyền lợi khác. Tuy nhiên, sau một thời gian thoát ly, có điều kiện “nhìn ra” các DN cũng như bạn bè chung quanh, “chợt” nhận ra mình bị “thiệt thòi”. Từ đó, mới quan tâm tới việc đấu tranh quyền lợi của mình. Nếu DN không đáp ứng được, sẽ đình công hoặc “nhảy” việc”. Trịnh Thị Thu Hằng, công nhân Công ty cổ phần Giày Đông Anh, người từng ra vào công ty tới bốn lần cũng thừa nhận, chỉ duy nhất một lần xin nghỉ việc do sinh con, ba lần còn lại là do “nghe ngóng” DN này, DN kia trả lương cao hơn, thế là “nhảy việc”. Hằng cũng cho biết: Một số DN quanh vùng tuy đồng lương có trả cao hơn nhưng các chế độ đãi ngộ không tốt bằng nơi làm cũ.
Biện pháp nào để tháo gỡ ?
Theo các chuyên gia phân tích, dịch chuyển LĐ là hiện tượng tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra bất ổn trong sản xuất, kinh doanh của các DN, gây khó khăn trong vấn đề sắp xếp và tổ chức lao động của DN cũng như địa phương, kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác như vấn đề nhàở, an ninh trật tự, an sinh xã hội… Trong khi đó, câu chuyện mất cân đối của thị trường LĐ Việt Nam vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, nhất là vào thời điểm đầu và cuối năm. Vấn đề là tìm ra những giải pháp tối ưu để chấm dứt thực trạng này.
Một trong những giải pháp cơ bản nhằm thoát khỏi vòng luẩn quẩn đang tồn tại nhiều năm nay, theo ông Nguyễn Hòa Bình, ngoài việc Chính phủ cần có chính sách về tiền lương hợp lý thì việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa DN và NLĐ là vấn đề sống còn để DN thật sự là tổ ấm, là nơi NLĐ yên tâm cống hiến thông qua những chế độ, chính sách thỏa đáng. Ông Bình phân tích: Trong các DN chế biến, da giày, dệt may, công nhân nữ chiếm từ 80 đến 95% số LĐ, hầu hết trong độ tuổi lập gia đình, sinh con. Nếu DN không quan tâm tới nhu cầu về nhàở để họ lập gia đình, xây nhàgiữ trẻ để họ gửi con, thì sau một thời gian làm việc, đến tuổi xây dựng gia đình, LĐ nữ không có sự lựa chọn nào khác là trở về quê hương để lập gia đình.
Trong kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội của từng vùng, miền, ngành, địa phương cần đưa vào kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để phân luồng đào tạo, đào tạo LĐ gắn với nhu cầu LĐ của từng địa phương; xây dựng mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các DN trong các KCN. Gắn sản xuất công nghiệp với phát triển đồng bộ các ngành nghề truyền thống, hoạt động dịch vụ khác tại địa phương nhằm ổn định việc làm tại chỗ cho người dân tại địa phương, tránh tạo dòng chảy cắt chéo nhau trong xã hội, gây khó khăn trong quản lý nguồn nhân lực. Việc tiếp tục khai thác thị trường hợp tác lao động quốc tế cũng là biện pháp nhằm giảm tình trạng căng thẳng lao động trong nước… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin thị trường LĐ để điều phối cung – cầu LĐ. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của 64 trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước, đa dạng hóa các hoạt động sàn giao dịch việc làm tại 40 tỉnh, thành phố nơi có thị trường LĐ phát triển nhằm tăng cơ hội gặp gỡ giữa NLĐ và người sử dụng LĐ… Tất cả những giải pháp trên là điều kiện cần, nhưng nếu không được tiến hành cùng với điều kiện đủ là sự quyết tâm trong thực thi, thì thị trường LĐ khó thoát khỏi điệp khúc mất cân đối cung – cầu lâu nay.
Ý kiến ()