Thu hút khách nội địa đến miền Trung
Năm 2009, hầu hết các địa phương ở miền Trung đều khá thành công trong việc thu hút khách du lịch nội địa. Khánh Hoà, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình lượng khách du lịch nội địa đều tăng từ 18 – 20%.
Các tỉnh duyên hải miền Trung có hơn 1.000 km bờ biển với những bãi tắm tuyệt đẹp. Dải đất miền Trung có 4 di sản văn hoá thế giới là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn – Quảng Nam, cùng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàngvà hàng loạt những điểm đến hấp dẫn như: Nha Trang- Khánh Hoà, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Quảng Nam… Trước những khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu, các địa phương miền Trung đã thực thi nhiều chính sách kích cầu du lịch, trong đó tập trung thu hút khách nội địa bằng việc miễn giảm phí tham quan, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… Nhờ đó, lượng khách trong nước đến với miền Trung ngày càng đông. Trong lúc kinh tế toàn cầu suy giảm đã ảnh hưởng bất lợi cho du lịch Việt Nam, cuối năm 2008, đầu năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” như một giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong nước. Cùng với đó là các chính sách kích cầu du lịch như: giảm giá vé máy bay, các địa phương thì đồng loạt miễn giảm vé tham quan, phí dịch vụ, lưu trú, vận chuyển. Một số doanh nghiệp du lịch đã giảm từ 30% đến 50% giá tour…
Những động thái tích cực này tỏ ra khá hữu hiệu trong việc thu hút khách nội địa về với miền Trung, đặc biệt là khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, dự hội nghị hội thảo. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng Vitour cho biết: Năm 2008, Công ty đón 10.000 khách nội địa, nhưng năm nay lượng khách tăng gấp đôi. Đặc biệt là trong dịp diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng cuối tháng 3, Festival du lịch biển Nha Trang – Khánh Hoà, Lễ hội Hành trình di sản Quảng Nam, 50 năm huyền thoại đường Trường Sơn tại Quảng Bình… Ông Cao Trí Dũng nói: “Với chương trình ấn tượng du lịch Việt Nam và chương trình kích cầu thì về phía doanh nghiệp lữ hành mặc dù lượng khách nước ngoài vào có suy giảm nhưng lượng khách nội địa lại tăng trưởng rất đáng kể đặc biệt là các nguồn khách về miền Trung, các nguồn khách nghỉ biển, hội nghị hội thảo. Riêng Đà Nẵng nguồn khách nội địa tăng gần gấp đôi, đặc biệt là về mùa hè…”. Nhờ thực hiện những giải pháp hợp lý nên số lượng khách du lịch nội địa đến miền Trung năm 2009 cao hơn so với trước. Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đón hơn 1.300.000 lượt khách, trong đó hơn một nửa khách nội địa. Ngoài những chính sách kích cầu chung, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế chủ động tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Chương trình “Huế – độc đáo, quyến rũ” với một số sản phẩm mới miễn phí, miễn giảm giá dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khôi phục, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội dân gian như: Lễ hội Đền Huyền Trân, Lăng Cô Huyền thoại biển, Thuận An biển gọi, Festival Nghề truyền thống… Theo ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế: Năm 2009, khách quốc tế đến Huế giảm, nhưng lượng khách nội địa lại tăng. Đặc biệt, sau khi Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, lượng khách nội địa đến khu du lịch này tăng đột biến. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển vùng kinh tế tổng hợp Tam Giang – Cầu Hai và cho phép khai thác tour du lịch trên phá Tam Giang – Cầu Hai, tour này sẽ rất hấp dẫn. Có thể thấy, hầu hết các địa phương ở miền Trung đều khá thành công trong việc thu hút khách du lịch nội địa. Cụ thể như: tỉnh Khánh Hoà đón hơn 1.200.000 lượt khách nội địa, Quảng Nam đón hơn 1 triệu khách nội địa và thành phố Đà Nẵng cũng đạt hơn 1 triệu lượt khách nội địa. Có được kết quả này là nhờ tác dụng từ gói kích cầu du lịch của Chính phủ và sự năng động, linh hoạt của từng địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện thu hút khách trong nước về miền Trung. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch tại miền Trung nói: Du lịch miền Trung Tây Nguyên năm 2009 có thể nhìn nhận và đánh giá kết quả hết sức khả quan trong việc thu hút khách du lịch, kể cả trong nước và nước ngoài. Chính sách kích cầu của Chính phủ góp phần đáng kể trong việc thu hút khách nội địa. Các địa phương miền Trung đặc biệt là Khánh Hoà, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình có lượng khách du lịch nội địa tăng khá cao, từ 18 đến 20%. Hầu hết các địa phương khu vực miền Trung đều có tỷ lệ khách nội địa tăng gần 20% so với năm ngoái. Điều đó cho thấy khách du lịch trong nước đã bắt đầu chú ý tới vùng duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, để tạo được ấn tượng sâu sắc hơn đối với khách trong nước, các địa phương ở miền Trung cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động du lịch, gắn kết những sự kiện văn hoá, thể thao để khách có thể đến nhiều địa phương mà không bị nhàm chán bởi việc trùng lặp sự kiện. Có vậy mới thực sự hấp dẫn khu khách bằng vẻ đẹp đầy quyến rũ của nắng gió miền Trung. |
Ý kiến ()