Thu hút FDI từ các nước ASEAN
Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức vận hành từ ngày 1-1-2016, đã đặt Việt Nam trước những cơ hội lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước ASEAN cũng không hề nhỏ. Nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh chính là yếu tố quyết định thành tựu thu hút FDI của Việt Nam.
Thu hút chưa đồng đều
FDI của các nước ASEAN vào Việt Nam tuy đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng việc thu hút đầu tư từ các nước chưa đồng đều, trong khi Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan là ba nước luôn đứng đầu trong đầu tư tại Việt Nam, thì các nước còn lại có kết quả rất khiêm tốn, chưa thật sự có tác động lan tỏa cũng như ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư chung của Việt Nam.
Theo các cấp độ liên kết thì AEC đang ở mức liên kết cộng đồng thấp, do thực chất sự liên kết cộng đồng này vẫn chỉ là hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Chính phủ các nước mở rộng cửa cho thương mại, đầu tư, lao động di chuyển tự do, mà chưa hình thành các cơ quan, cơ chế, quy tắc ràng buộc pháp lý thống nhất trong toàn khối. Cụ thể, tuy yếu tố cấu thành AEC về đầu tư là “Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn;…” để thúc đẩy dòng vốn FDI, và các dòng vốn đầu tư khác trong nội khối, thì Điều 32 trong cam kết AEC xác định, việc tự do chuyển dịch này phụ thuộc vào lịch trình và sự sẵn sàng của từng thành viên, cho thấy các cam kết về tự do chuyển dịch dòng vốn trong AEC yếu và thiếu các điều kiện ràng buộc, so với cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) có cấp độ liên kết cao nhất hiện nay là đã bỏ toàn bộ sự hạn chế về chuyển dịch vốn trong các nước thành viên.
Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam từ các nước ASEAN sau khi AEC có hiệu lực còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt Nam đối với nguồn vốn ngoại này. Chỉ tiêu để xác định khả năng hấp thụ FDI của nền kinh tế là mức giải ngân FDI (vốn FDI thực hiện) hằng năm. Năm 2010 là năm đầu tiên, mức giải ngân FDI vượt ngưỡng 10 tỷ USD/năm và tăng bình quân gần 20% năm trong 5 năm 2011-2015 vừa qua, khi đạt mức 14,5 tỷ USD vào năm 2015. Việc khả năng giải ngân FDI thấp của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn lực lao động, cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý,… đây là những yếu kém của nền kinh tế chưa thể khắc phục nhanh được trong một đến hai năm tới. Mức chênh lệch hơn 100 tỷ USD chưa giải ngân được, giữa vốn FDI đăng ký và FDI thực hiện trong nhiều năm, vừa chứng minh năng lực hấp thụ vốn còn yếu của nền kinh tế, vừa tác động hạn chế các nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam, nhất là vốn tăng thêm và mở rộng của các doanh nghiệp FDI hiện có. Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu so yêu cầu và cơ hội đầu tư cũng sẽ có tác động hạn chế thu hút FDI từ ASEAN.
Như vậy, tuy cơ hội mở ra cho Việt Nam trong thu hút FDI từ AEC là có, nhưng do các tác động của cạnh tranh không những giữa các nước trong nội khối mà cả với ngoài khối, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại thấp so nhiều nước trong khối, khả năng và thực tế đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam (trừ Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan) còn rất khiêm tốn, cấp độ liên kết AEC ở mức độ thấp, thiếu các điều kiện ràng buộc,… nên FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam chưa thể tăng đột biến trước mắt, cơ hội thu hút FDI nội khối là chưa nhiều, thậm chí có khả năng không giữ được mức đã đạt được trong 2015, nếu không có một dự án có quy mô lớn.
Khả năng tăng trưởng FDI sau một vài năm tới cũng chỉ ở mức trên dưới 10%/năm so cùng kỳ trước đó.
Áp lực cạnh tranh lớn
Khi AEC vận hành, ASEAN sẽ là một thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và GDP hằng năm khoảng 2.500 tỷ USD qua các liên kết trên cơ sở sản xuất thống nhất như: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng. Đây rõ ràng là một thị trường lớn, tiềm năng mà các nhà đầu tư quốc tế đang ngắm tới để mở rộng thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,… Để có được thị trường rộng lớn này, các nhà đầu tư quốc tế sẽ lựa chọn một trong số các nước thành viên ASEAN, lúc đó thị trường Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ chỉ là một trong những lựa chọn của họ.
Cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong AEC không chỉ rơi vào các nền kinh tế ở tốp cuối gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma với các tiêu chí về chi phí và chất lượng lao động, mà còn đối với các nước còn lại như
Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin khi những ngành có tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam cũng là thế mạnh của các nước đó như thủy sản, các sản phẩm nông, lâm nghiệp (chế biến thực phẩm, sản phẩm gỗ, cao-su,..), du lịch, dịch vụ logistics, hệ thống phân phối bán buôn – bán lẻ hàng hóa,… Trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng của WEF thấp hơn nhiều so với Ma-lai-xi-a, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Với việc hình thành AEC, cùng với dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn di chuyển tự do là việc di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Đánh giá về thế mạnh và mức độ sẵn sàng của lao động Việt Nam tham gia AEC cho thấy, có những yếu tố cản trở hoặc làm giảm khả năng thu hút FDI vào Việt Nam khi xét về tiêu chí lao động: năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật, cùng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam khá thấp so các nước ASEAN 6; sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng (nhất là về ngoại ngữ) của lao động Việt Nam để sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước cũng chưa cao.
Ngược lại, một lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam, tuy còn ít, phần lớn đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kiểm toán, y tế, khách sạn, marketing, điện tử, viễn thông,… trước hấp dẫn của môi trường lao động ASEAN được tự do di chuyển, khả năng có thu nhập cao, địa lý không quá xa, điều kiện sống và phong tục tập quán,… tương đối tương đồng giữa các nước ASEAN, sẽ dễ dàng di chuyển sang các nước khác trong AEC làm việc, càng làm tăng sự thiếu hụt về lao động tay nghề cao của Việt Nam. Các điểm yếu về lao động Việt Nam nêu trên, vừa là cản trở trong hội nhập nói chung, vừa là rào cản lớn trong thu hút FDI, do làm giảm năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức vận hành từ ngày 1-1-2016, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi tham gia AEC. Về vĩ mô, yếu tố then chốt không thể bỏ qua là cải cách thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Do FDI cùng với xuất khẩu đang là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nên cần tiếp tục tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng hiệu quả FDI. Việc thu hút, nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI lại gắn chặt với những cải cách, điều chỉnh cụ thể những vấn đề liên quan nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam. Nội dung và mục tiêu của các cải cách, điều chỉnh này cũng chính là các nội dung và mục tiêu mà các hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản và hoạt động của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hằng năm đã và đang được triển khai. Việc tiếp thu có chọn lọc để thực hiện ngay các sáng kiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam từ hai hoạt động này sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam, giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức khi tham gia AEC cũng như thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
Đến năm 2015 có bảy nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam, với 216 dự án và hơn 6,1 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó ba nước dẫn đầu là Ma-lai-xi-a (hơn 2,4 tỷ USD), Xin-ga-po (hơn 1,2 tỷ USD), và Thái-lan (262 triệu USD). Tính lũy kế đến cuối năm 2015 đã có tám nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam gồm Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Lào, Cam-pu-chia với tổng số hơn 2.700 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 60 tỷ USD, chiếm hơn 14% tổng số dự án và hơn 21% tổng vốn FDI đăng ký trong cả nước. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()