Thu hút FDI trước bước ngoặt lịch sử
Bước sang năm thứ 37 thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (sau này là hợp tác đầu tư nước ngoài), Việt Nam đã ghi nhận ba làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang đứng trước cơ hội đón làn sóng thứ tư với sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt cả về định hướng cũng như chất lượng đầu tư.
Bài 2: Chủ động đón làn sóng FDI thứ tư
Năm 2023, lịch trình của ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) càng thêm bận rộn vì thị trường Việt Nam trở thành mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.
Những cơ hội lịch sử
Bản thân ông Neffeur đã có hai chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 1 và tháng 10/2023, nhân dịp Triển lãm quốc tế Ðổi mới sáng tạo Việt Nam và lễ khánh thành cơ sở Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ông cho biết Mỹ đang khát nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này.
“Các doanh nghiệp thành viên của SIA có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam thể hiện dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu...”, ông Neffeur nhận định.
Sự tin tưởng của các nhà đầu tư Mỹ vào môi trường đầu tư Việt Nam một lần nữa được khẳng định khi ông Neffeur phát biểu trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại thủ đô Washington ngày 4/4/2024: Nếu ở Mỹ có người hỏi ở đâu thành công nhất, chúng tôi sẽ nói đó là Việt Nam. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công của công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và hy vọng sẽ có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này.
Trước, trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam tháng 9/2023 và sau đó là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ, chíp bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Synopsys, Google, Intel, Amkor, Marvell, Boeing, Qualcomm, Ampere đã nhanh chóng thực hiện những cuộc xúc tiến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Ðích thân ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia đã thực hiện cuộc khảo sát quan trọng tại Việt Nam vào trung tuần tháng 12/2023. Vị tỷ phú công nghệ khá bất ngờ và rất vui khi được người dân nhận ra trong lúc thưởng thức ẩm thực quán vỉa hè phố cổ vào một chiều đông Hà Nội. Và càng ý nghĩa hơn khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tại trụ sở NIC diễn ra trong hai ngày sau, ông chia sẻ: Chúng tôi cam kết sẽ biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài nhận định đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Làn sóng thứ tư này được hình thành từ nhu cầu gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... Cụ thể, trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Việt Nam là số 1 và nhà đầu tư Hàn Quốc ra quyết định rất nhanh, chỉ riêng Samsung đã mở rộng đầu tư lên quy mô 22 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ vốn đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án lớn thuộc các tập đoàn trong tốp 10 thế giới. Ðáng chú ý là sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ. “Hiện có rất nhiều đoàn đang đến Việt Nam âm thầm lặng lẽ để khảo sát hệ sinh thái về chíp bán dẫn”, ông Hoàng chia sẻ.
Xây tổ đón “đại bàng”
Ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ICS) cũng nhận định Việt Nam đang đứng trước làn sóng đầu tư thứ tư. Mỗi làn sóng đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước và đặc trưng của làn sóng thứ tư này là Việt Nam thu hút được sự chú ý đặc biệt của các “đại bàng” công nghệ trên thế giới. Ðiều khác biệt là trong cuộc đua thu hút “đại bàng”, các địa phương không cạnh tranh xuống đáy bằng các ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất... như giai đoạn trước mà tập trung nỗ lực “xây tổ” để “đất lành chim đậu”.
Ðiểm tựa cho sự chuyển hướng quan trọng này là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp các địa phương có cơ sở để tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có dòng vốn FDI.
Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ sự ấn tượng về sự năng động của UBND tỉnh Bắc Giang trong việc chờ đón dòng vốn FDI. Ngay từ khi còn phải đương đầu với đại dịch Covid-19, Bắc Giang đã tập trung thực hiện rất công phu, bài bản, khoa học cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và trở thành địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào tháng 2/2022. Nhờ đó, tỉnh kịp đón dòng đầu tư dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình là dự án xây dựng Nhà máy Fukang Technology của Tập đoàn Foxconn chuyên sản xuất các sản phẩm iPhone, iPad, MacBook cho Apple với quy mô khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Tương tự, Nam Ðịnh cũng sớm bắt tay lập quy hoạch tỉnh để có định hướng đón dòng đầu tư nước ngoài và đã mời gọi được những tên tuổi lớn như Quanta Computer, Tập đoàn Toray, Crystal...
Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Ðịnh cho biết, dự án sản xuất máy tính của Quanta Computer Inc có ý nghĩa rất lớn đối với Nam Ðịnh vì qua đó cho thấy tỉnh có nền tảng để thu hút các dự án công nghệ cao, tạo sự phát triển đột phá, giúp tỉnh sớm trở lại là thủ phủ công nghiệp của các tỉnh phía bắc. Vốn đầu tư giai đoạn 1 của Quanta chỉ 120 triệu USD nhưng có nhiều lý do để lãnh đạo tỉnh Nam Ðịnh tin tưởng dự án sẽ sớm được mở rộng quy mô, đưa các sản phẩm máy tính Quanta đến tay người tiêu dùng phổ biến và thuận lợi như đối với sản phẩm điện thoại Samsung.
Những tháng đầu năm 2024 này dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu tiếp tục chậm lại là minh chứng cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì được niềm tin đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự tin tưởng này, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, là do Mỹ đang mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng chíp bán dẫn trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi phần lớn năng lực sản xuất chíp của thế giới tập trung vào Ðài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam có lợi thế trong chiến lược này. Ðây chính là thời điểm có tính chất bước ngoặt quan trọng cho sự chuyển đổi về chất trong hành trình hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam gần 40 năm qua.
Làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam kéo dài từ năm 1991 đến năm 2006. Trong thời gian này, Việt Nam đã trải thảm đỏ thu hút dự án đầu tư với nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất. Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2014, khi Việt Nam hợp nhất Luật Ðầu tư trong nước và Luật Ðầu tư nước ngoài thành Luật Ðầu tư. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã quyết định đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn này. Làn sóng thứ ba diễn ra từ năm 2015 với xu hướng vốn FDI gia tăng trở lại, đạt mức trung bình 20-25 tỷ USD/năm. Hiện nay, làn sóng thứ tư đang hình thành khi Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư vào những ngành công nghệ cao. Nguồn: Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ICS) |
(Còn nữa)
Ý kiến ()