Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh (Hà Nội). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đều sụt giảm do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước diễn ra ngày càng gay gắt thì lượng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm so cùng kỳ năm trước là điều dễ hiểu.Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang hướng tới việc nâng cao chất lượng nguồn vốn này, cho nên việc sụt giảm lượng vốn FDI đăng ký là nằm trong dự tính. Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là lượng vốn FDI vào Việt Nam tuy giảm nhưng phải "chất".Thách thức trong nâng cao chất lượng nguồn vốn FDITheo Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính trong sáu tháng qua, các dự án FDI giải ngân được 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, thu hút vốn FDI (tính cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm) là 6,38 tỷ USD,...
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh (Hà Nội). |
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đều sụt giảm do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước diễn ra ngày càng gay gắt thì lượng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm so cùng kỳ năm trước là điều dễ hiểu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang hướng tới việc nâng cao chất lượng nguồn vốn này, cho nên việc sụt giảm lượng vốn FDI đăng ký là nằm trong dự tính. Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là lượng vốn FDI vào Việt Nam tuy giảm nhưng phải “chất”.
Thách thức trong nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính trong sáu tháng qua, các dự án FDI giải ngân được 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, thu hút vốn FDI (tính cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm) là 6,38 tỷ USD, giảm 27,7% so cùng kỳ năm 2011. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều dự án FDI nhất với 193 dự án đầu tư đăng ký mới và 95 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 4,02 tỷ USD (chiếm 63% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tuy nhiên, lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút vốn FDI lại là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,57 tỷ USD (chiếm 24,7% vốn đầu tư). Và đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 207,7 triệu USD (chiếm 3,3%). Năm 2012, mục tiêu thu hút FDI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là không coi trọng số lượng mà chú trọng chất lượng. Thu hút FDI tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; công nghiệp hỗ trợ; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, các dự án sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ… Vì thế, lượng vốn FDI đăng ký cả năm nay có thể sụt giảm nhưng cơ cấu đầu tư phải từng bước bảo đảm được những định hướng ưu tiên nêu trên.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) TS Phan Hữu Thắng cho rằng, việc chậm trễ trong hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách và bộ máy tổ chức quản lý đang là thách thức lớn nhất hiện nay trong thu hút và nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI. Thách thức này hoàn toàn có thể khắc phục được, không cần nhiều vốn và thời gian như đối với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chẳng hạn, bởi do chính bộ máy, phương thức vận hành hoạt động của bộ máy và con người trong bộ máy quản lý FDI hiện hành tạo ra. Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp và tổ chức bộ máy sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn. Bộ máy quản lý với năng lực được nâng cao sẽ sàng lọc được các dự án FDI không khả thi, không phù hợp cho giai đoạn phát triển mới.
Ưu đãi đầu tư còn dàn trải
Bên cạnh hệ thống pháp luật thì chính sách ưu đãi đầu tư cũng giữ vai trò quan trọng, nhất là, trong bối cảnh chuyển hướng thu hút FDI theo chất lượng và hiệu quả. Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thu hút được những dự án FDI chất lượng cao là do chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn. Tuy các chính sách ưu đãi đầu tư thường xuyên được rà soát sửa đổi, bổ sung nhưng còn dàn trải, chưa tập trung đúng mức vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu tư. Thí dụ, chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chưa có sự khác biệt, chưa đủ sức hấp dẫn so với các ngành khác. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi vào những địa bàn cần thu hút đầu tư còn dàn trải hoặc có khác cũng chưa nổi trội, chưa có tính đột phá. Bởi lẽ trong 63 tỉnh, thành phố thì hầu hết đều có địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài GS, TS Nguyễn Mại, chính sách ưu đãi đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005, Việt Nam coi trọng việc miễn giảm thuế đối với dự án FDI theo ngành và địa phương. Thực tế đã chỉ ra rằng, ưu đãi thuế có tác dụng như một lực hút FDI nhưng không đồng đều đối với các nhà đầu tư và các vùng lãnh thổ. Nhà đầu tư là doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược đầu tư dài hạn đòi hỏi phải có môi trường pháp lý minh bạch, công khai và ổn định, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu đãi thuế tác động tích cực ở những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng không thật sự hấp dẫn đầu tư vào các tỉnh miền núi có cơ sở hạ tầng kém phát triển. Tuy nhiên, ưu đãi đầu tư không chỉ có thuế mà còn có cả ưu đãi tài chính và ưu đãi phi tài chính mà Việt Nam chưa quan tâm đúng mức. Ưu đãi tài chính phổ biến nhất là các khoản trợ cấp của Chính phủ, tín dụng lãi suất thấp, bảo hiểm tín dụng, tham gia góp vốn của Chính phủ. Các nước phát triển áp dụng phổ biến ưu đãi tài chính, một số nước ASEAN trong những năm gần đây đã tăng dần ưu đãi tài chính. Khi Việt Nam hướng đến thu hút FDI của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới (TNCs) thì cần coi trọng ưu đãi tài chính với quy định công khai, minh bạch và ổn định mới đủ sức hấp dẫn các TNCs đầu tư vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Bên cạnh đó, các ưu đãi phi tài chính gồm việc sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ với giá cả hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ… Những năm trước đây, nước ta áp dụng chính sách giá cả năng lượng, dịch vụ đối với doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài cao hơn doanh nghiệp và người Việt Nam. Hiện nay, về cơ bản chính sách này đã được xóa bỏ, tuy vậy vẫn chưa có các quy định của Chính phủ về ưu đãi phi tài chính.
Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư một cách đồng bộ, rõ ràng, minh bạch cũng như điều chỉnh, bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư đối với những ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư chính là một trong những giải pháp quan trọng để có thể thu hút được vốn FDI chất lượng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()