Thu hút dòng vốn FDI
Năm 2021, dù là tâm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều địa phương ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam vẫn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả rất đáng khích lệ. Bằng các cách làm sáng tạo giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương đã củng cố niềm tin để doanh nghiệp FDI đầu tư mới và tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp FDI đã khởi công ngay nhiều dự án lớn và quyết định tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với niềm tin vào sự kiểm soát dịch bệnh của chính quyền các cấp, kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Thu hút đầu tư phù hợp định hướng
Tháng 10/2021, Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) đã khởi công nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Tân (Bình Dương) để sản xuất màn hình ti-vi, màn hình hiển thị, dịch vụ kho bãi và lưu trữ hàng hóa với vốn đầu tư 185 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các KCN ở Bình Dương cũng đã tăng vốn mở rộng sản xuất. Theo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2021, tỉnh đã thu hút thêm 64 dự án mới, 24 dự án điều chỉnh vốn và 161 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,1 tỷ USD; nâng số lượng dự án FDI tại Bình Dương lên 4.011 từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD. Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, trong năm 2021 có đến 1,7 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào các KCN của tỉnh trong tổng vốn gần 2,1 tỷ USD đầu tư vào tỉnh Bình Dương, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư bền vững tập trung vào các KCN của tỉnh.
Năm 2021, tỉnh Long An có thêm 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,2 tỷ USD. Riêng từ tháng 10 đến nay đã có gần 20 dự án được trao chứng nhận đầu tư mới vào các KCN tập trung của tỉnh. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính vẫn là giải pháp quan trọng để Long An củng cố niềm tin với nhà đầu tư. Từ đầu tháng 11/2021 đến nay, UBND tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI chỉ sau bốn giờ hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư, như: Công ty TNHH Lotte Eco Logis đầu tư dự án dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa tại KCN Phú An Thạnh với vốn đầu tư giai đoạn một 13,5 triệu USD; Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 (Nhật Bản) đầu tư vào KCN Long Hậu 3 với vốn đầu tư 35 triệu USD…
Cuối tháng 11/2021, Công ty TNHH Hyosung Ðồng Nai tại KCN Nhơn Trạch V đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ hơn 696 triệu USD lên 742 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Hyosung tại Ðồng Nai lên hơn 1,8 tỷ USD. Ông Yoo Sun Hyung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất và tiếp tục mở rộng đầu tư, ước doanh thu năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD. Tập đoàn Hyosung đang có kế hoạch chuyển dịch các nhà máy từ Hàn Quốc sang Việt Nam, đồng thời mở rộng thêm các nhà máy ở Việt Nam và quan tâm đến các lĩnh vực công nghiệp hóa học, công nghiệp nặng để mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng dòng vốn FDI đổ vào TP Hồ Chí Minh trong năm nay vẫn tăng hơn 11% so năm 2020. Ước năm 2021, tính chung cả vốn thu hút bằng hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP Hồ Chí Minh thu hút được từ 5,8-6 tỷ USD. Hiện, trên địa bàn thành phố có 10.285 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn, khoảng 48,2 tỷ USD; là địa phương có dự án FDI còn hiệu lực nhiều nhất nước. Ông Mizushima Kozo, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH) cho rằng, cùng với những lợi thế nổi trội, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp đã giúp thành phố thu hút đầu tư hiệu quả không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng ra các ngành khác như bán lẻ, dịch vụ, tài chính, ngân hàng.
Ngày 18/12 vừa qua, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tám dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó, có nhiều dự án FDI như: Nhà máy sản xuất găng tay S&S GLOVE của Công ty cổ phần S&S GLOVE, tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng (213 triệu USD); dự án sản xuất linh kiện điện tử, gia công sản xuất các loại màn hình độ phân giải cao của Công ty TNHH Coretronic Technology, tổng vốn đầu tư 1.197 tỷ đồng… Trước đó, vào ngày 17/12, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (Hyosung Vina Chemicals) đã khánh thành Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG tại KCN Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Hyosung Vina Chemicals, khẳng định, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giúp việc xây dựng nhà máy hoàn thành an toàn, đúng tiến độ…
Tiếp tục thu hút đầu tư hiệu quả
Trong điều kiện dịch bệnh đi lại khó khăn, trong năm 2021, tỉnh Bình Dương đã phối hợp các đơn vị thực hiện hơn 20 hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ, thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng nghìn nhà đầu tư là lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập đoàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến trong điều kiện bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là giải pháp giúp địa phương kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn, góp phần thu hút FDI đạt kết quả khả quan. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội; tiến hành quy hoạch mở rộng các KCN và tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thân thiện với môi trường để tăng năng lực cạnh tranh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của thành phố cả về kinh tế, môi trường, công nghệ 4.0. Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết, SHTP đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho toàn khu để tranh thủ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao từ Nhật Bản. Ðể thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia, thông qua Trung tâm đào tạo trực thuộc SHTP, SHTP đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực 4.0.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ là cơ hội cho các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư vào nước ta nói chung, trong đó có Ðồng Nai. Tỉnh sẽ tận dụng cơ hội này mời gọi doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án trên địa bàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh lĩnh vực thế mạnh là công nghiệp, nhiều doanh nghiệp FDI đã đến Ðồng Nai tìm hiểu, dự định đầu tư vốn vào các dự án thương mại, dịch vụ, bất động sản, năng lượng. Tỉnh tiếp tục thực hiện phương châm nhất quán “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi những dự án có công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp FDI hàng đầu trên thế giới đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật, logistics, khu đô thị thông minh, thương mại, dịch vụ, qua đó, góp phần tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 7 nhiệm kỳ 2020-2025 một lần nữa xác định các “trụ cột” kinh tế của địa phương là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ðây là tiền đề để Bà Rịa- Vũng Tàu xúc tiến thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn. Tỉnh sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, dự án phù hợp tiêu chí phát triển của địa phương như thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ cao; đồng thời cương quyết từ chối các dự án sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn nhiều năng lượng và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, trong định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Long An xác định rõ doanh nghiệp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là chủ thể vừa là khách thể, song hành trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðồng chí khẳng định: “Doanh nghiệp phát tài thì địa phương phát triển; trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” .
Ý kiến ()