Thu hút đầu tư xây dựng chợ nông thôn: Cần sự chủ động từ nhiều phía
– Những năm qua, Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư xây chợ nông thôn trên địa bàn. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng việc thu hút đầu tư xây dựng chợ chưa đạt được như mong muốn.
Kết quả bước đầu
Trên địa bàn tỉnh hiện có 82 chợ, trong đó có 58 chợ nông thôn (chợ xã). Với mục tiêu đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ nông thôn, từ năm 2011 đến nay, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, để thu hút nhà đầu tư bỏ vốn nâng cấp, xây dựng mới chợ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 quy định chính sách hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2030. Trong đó quy định các mức hỗ trợ thiết thực cho nhà đầu tư như: hỗ trợ 100% tiền giao đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 55% giá trị đầu tư; hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngoài chợ… Cùng đó, các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức xúc tiến, gặp gỡ, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đến tiếp nhận, đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh; tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát và thực hiện các thủ tục đầu tư… Với những nỗ lực đó, từ năm 2018 đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được 12 nhà đầu tư thực hiện xây mới, nâng cấp 20 chợ nông thôn. Đến thời điểm này 12 chợ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Người dân mua sắm tại chợ Long Thịnh xã Quốc Khánh, Tràng Định đã thực hiện đầu tư xong giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động
Điển hình nhất trong thu hút đầu tư chợ nông thôn là huyện Bắc Sơn. Trên địa bàn huyện có 11 chợ nông thôn thì đến thời điểm này đều đã có nhà đầu tư thực hiện đầu tư. Trong đó, đã có 4 chợ đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động (chợ xã Vũ Lăng, Chiến Thắng, Nhất Hòa, Tân Tri) và 1 chợ đã xây dựng xong, đang thực hiện các thủ tục để đưa vào hoạt động trong tháng 4/2023 (chợ xã Vũ Sơn).
Một số huyện khác như Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, Hữu Lũng, Bình Gia… cũng đã thu hút một số nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng chợ nông thôn và hiện tại một số chợ cũng đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại khu vực nông thôn của tỉnh.
Các chợ đã đầu tư xây dựng xong đều hoạt động hiệu quả, cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn.
Còn những khó khăn
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng chợ nông thôn được quan tâm đầu tư mới đạt hơn 25% tổng số chợ trên địa bàn toàn tỉnh. Như huyện Bình Gia, hiện có 4 chợ xã và mặc dù đã có nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa có dự án nào được thực hiện. Ông Hoàng Anh Vũ, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bình Gia cho biết: Mặc dù cả 4 chợ nông thôn (chợ Văn Mịch, xã Hồng Phong; chợ Pắc Khuông, xã Thiện Thuật; chợ Hoa Thám, xã Hoa Thám; chợ Khuổi Lào, xã Thiện Hòa) đều ở những vị trí thuận lợi về giao thông, giao thương hàng hóa… nhưng nguồn thu từ các chợ này mỗi năm trung bình chỉ khoảng 100 triệu đồng, trong đó thu phí, lệ phí chiếm khoảng 75% tổng nguồn thu. Sau khi đến rà soát, nhận thấy khả năng thu hồi vốn chậm nên nhà đầu tư không triển khai.
Bà Nguyễn Thị Chung, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn (xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn) chia sẻ: Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng chợ xã Vũ Sơn và đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào hoạt động trong tháng 4/2023. Tổng mức đầu tư chợ xã Vũ Sơn là hơn 6,3 tỷ đồng. Thời gian qua, hợp tác xã cũng quan tâm đến việc đầu tư xây dựng chợ Văn Mịch nhưng qua rà soát, tính toán nếu đầu tư vào chợ Văn Mịch thì vốn bỏ ra vào khoảng 4 – 5 tỷ đồng, trong khi nguồn thu phí dịch vụ tại chợ chỉ đạt 6 – 7 triệu đồng/tháng, mức thu này quá thấp để có thể thu hồi vốn đầu tư. Do vậy, hợp tác xã chưa dám nhận đầu tư xây dựng chợ Văn Mịch vào thời điểm này.
Cái khó của Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn cũng là cái khó chung của những nhà đầu tư khác, từ đó dẫn đến sự chần chừ trong đầu tư xây dựng mới các chợ. Thực tế, theo báo cáo của ngành công thương tỉnh, 58 chợ nông thôn của tỉnh hiện chiếm phần lớn là các chợ xã hạng 3, hầu hết họp theo phiên, thời gian họp chợ lại ngắn dẫn đến số người vào chợ thấp, từ đó phí dịch vụ thu được cũng không cao.
Ngoài khó khăn trên, theo báo cáo của Sở Công Thương, do một số nhà đầu tư nguồn lực hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành dự án đầu tư; quá trình xây dựng chợ có nhiều thủ tục phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên nhà đầu tư mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện. Cùng đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về chợ trong suốt thời gian qua đã có nhiều điểm bất cập nhưng chưa được điều chỉnh, chỉnh lý kịp thời gây khó khăn cho công tác thu hút đầu tư chợ nông thôn; trong Nghị quyết số 66 về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng chưa quy định cụ thể loại hình chợ hỗ trợ cụ thể, dẫn đến việc triển khai có thời điểm gặp vướng mắc… Những vướng mắc, hạn chế này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thu hút và triển khai đầu tư.
Cần chủ động từ nhiều phía
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong 58 chợ nông thôn, đến nay mới có 15 chợ là chợ kiên cố, 33 chợ bán kiên cố và 10 chợ vẫn là chợ tạm. Cùng đó, tại địa bàn một số xã hiện cũng không có chợ, trong đó có 15 xã biên giới. Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển hạ tầng chợ miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 95% chợ nông thôn có kết cấu bán kiên cố trở lên, trong đó 60% chợ kiên cố; đến năm 2030, 100% chợ xã đáp ứng tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới; 65% chợ nông thôn do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý… Trong giai đoạn 2023 – 2025, sẽ thực hiện nâng cấp, cải tạo 15 chợ; thực hiện xây dựng mới 18 chợ. Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện vào khoảng 160 tỷ đồng trở lên. Nếu không thực hiện kêu gọi xã hội hóa thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư sẽ rất lớn.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, sở đã và đang chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ nông thôn; tham mưu UBND tỉnh kịp thời thay thế, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, đầu tư, xây dựng chợ phù hợp với thực tiễn hiện nay, đặc biệt là giảm bớt một số thủ tục liên quan đến đầu tư chợ nông thôn và kịp thời điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào xây dựng chợ nông thôn; các ngành, các cấp chủ động lồng ghép việc xây dựng các chợ với các dự án và chương trình phát triển khác nhằm tập trung, tận dụng được nguồn vốn ngân sách cho phát triển chợ nông thôn…
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang có ý định đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh, biết rằng, để khắc phục sự hạn chế về nguồn lực, thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng sẽ chủ động huy động vốn đầu tư chợ dưới hình thức thông qua hợp tác, liên kết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với nhau để củng cố, bổ sung nguồn vốn đầu tư, từ đó việc đầu tư chợ sẽ đảm bảo quy mô kiên cố và dài hơi hơn. Cùng đó, chủ động nâng cao năng lực quản lý chợ và xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động hợp lý để thu hút tư thương, người dân đến giao thương tại chợ nông thôn.
Những năm qua, mặc dù các loại hình thương mại khác đang tiếp tục phát triển nhưng chợ nông thôn vẫn rất cần thiết, đóng góp vào việc phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh. Vì thế, việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ nông thôn rất cần huy động nguồn đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, có sự tham gia của các chủ thể kinh doanh. Có như vậy, việc phát triển, khai thác kinh doanh và quản lý chợ mới đạt được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo quy định tại Nghị quyết số 66 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2030: mức hỗ trợ về tiền là không quá 1,2 tỷ đồng đối với đầu tư xây dựng chợ mới khu vực nông thôn và không quá 600 triệu đồng đối với nâng cấp, sửa chữa chợ nông thôn. Để đảm bảo mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, mức hỗ trợ về đầu tư xây dựng chợ nông thôn đã được tăng lên đáng kể. Cụ thể, đầu tư xây dựng mới chợ: hỗ trợ 50% chi phí xây lắp trước thuế nhưng không vượt quá 1,7 tỷ đồng/chợ; đầu tư cải tạo nâng cấp chợ: hỗ trợ 30% chi phí xây lắp trước thuế nhưng không vượt quá 1 tỷ đồng/chợ. |
Ý kiến ()