Thu hút đầu tư xây dựng bến xe: Còn nhiều khó khăn
LSO- Theo quy hoạch bến xe đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1353/QĐ-UBND ngày 29/8/2011, đến năm 2020, các huyện, thành phố phát triển 19 bến xe mới đạt từ loại 1 (diện tích 50 nghìn mét vuông) đến loại 4 (diện tích dưới 10.000 m2). Sau 5 năm thực hiện quy hoạch, có 7 bến xe đi vào hoạt động, trong đó ngoài bến xe phía Bắc (thành phố Lạng Sơn), Tân Thanh (Văn Lãng), Bắc Sơn (Bắc Sơn) được đầu tư xây dựng cơ bản đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2 và loại 5, còn lại các bến xe có diện tích và hệ thống cơ sở hạ tầng không đạt yêu cầu và các bến xe còn lại chưa thu hút được nhà đầu tư.
Bến xe Bắc Sơn đang hoàn thiện, phấn đấu đưa vào sử dụng trong tháng 4/2016
Văn Lãng là một trong những huyện có nhiều lợi thế về hoạt động vận tải qua địa bàn. Ngoài Cửa khẩu Tân Thanh đã đầu tư được bến xe có diện tích 8.000 m2 hoạt động từ năm 2010; còn dự án bến xe thị trấn Na Sầm, mặc dù huyện kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng bến xe từ nhiều năm nay nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư nào.
Một huyện khác nhu cầu xây dựng bến xe mới cũng rất bức xúc đó là Hữu Lũng. Đây là huyện cửa ngõ phía Nam vào tỉnh có tuyến quốc lộ 1A chạy qua với hoạt động vận tải ngày càng tăng nhanh. Hiện tại, huyện Hữu Lũng đang khai thác bến xe trung tâm huyện có vị trí đối diện chợ Hữu Lũng với diện tích 2.000 m2, quá trình đô thị hóa nhanh khiến cho vị trí bến xe không còn phù hợp.
Thực hiện quy hoạch phát triển bến xe, năm 2014, huyện nhận được đề nghị của nhà đầu tư xây dựng bến xe đạt tiêu chuẩn loại 4, tuy nhiên, khi Sở Giao thông Vận tải đối chiếu với quy hoạch tại thực địa thì vị trí nhà đầu tư xin thực hiện dự án không nằm trong quy hoạch. Do những phức tạp trong việc triển khai nên nhà đầu tư này đã xin ngừng thực hiện dự án.
Ông Bàng Đức Cường, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng bến xe chưa hấp dẫn nhà đầu tư là vị trí quy hoạch xây dựng có phần lớn diện tích nằm ở khu dân cư, do vậy, công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất phức tạp. Bởi ngoài việc đền bù theo quy định thì nhà đầu tư và huyện phải bố trí tái định cư cho các hộ dân, đây là vấn đề khó khăn, hiện trên địa bàn huyện có nhiều dự án đang vướng mắc chưa được xử lý.
Tương tự tại Tràng Định, đây là huyện hằng ngày có hàng trăm chuyến xe khách và vận tải hàng hóa qua lại địa bàn đỗ dọc trên tuyến quốc lộ 4A gây mất an toàn giao thông tại khu vực đô thị. Nhưng đến nay, Tràng Định vẫn không thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng bến xe trung tâm huyện.
Không chỉ các huyện khó khăn trong việc xây dựng các bến xe, ngay tại khu vực thành phố Lạng Sơn, dự án bến xe phía Nam được triển khai từ cuối năm 2013 đến nay vẫn chưa hoàn thành (cam kết của nhà đầu tư là thực hiện dự án trong 9 tháng). Một trong những nguyên nhân dự án chậm tiến độ là vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho biết: từ năm 2013 đến nay, sở đã có nhiều cuộc làm việc với các huyện để thực hiện quy hoạch xây dựng bến xe cũng như tổ chức hội thảo chuyên đề về thu hút nguồn lực xã hội hóa nhưng các dự án bến xe tại trung tâm các huyện vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Sở đang xây dựng kế hoạch tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập và hỗ trợ các huyện, thành phố trong thực hiện quy hoạch xây dựng bến xe.
Bài, ảnh: CÔNG QUÂN
Ý kiến ()