Thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn: Khơi dậy tiềm năng
Bài 1: NHỮNG DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG LSO- Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Điểm khác biệt so với trước đây đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp có khả năng về tài chính và các dự án đầu tư có tính dài hơi.
SẢN XUẤT GẮN VỚI HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ
Diện tích trồng lạc trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng trên 2.800 ha/năm, sản lượng ước tính hơn 3.500 tấn. Tuy nhiên, vùng trồng lạc chưa thực sự tập trung và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là tự phát từ nhà nông.
Năm 2014, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nông nghiệp Lạng Sơn đã trình xin chủ trương của tỉnh và triển khai dự án liên kết sản xuất lạc L14. Ông Đinh Trọng Cửu, Phó Giám đốc Công ty cho biết: bước đầu Công ty đã phối hợp với một số huyện quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất với nhà nông và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Diện tích liên kết năm 2014 là trên 46 ha tại các huyện Lộc Bình, Chi Lăng, Tràng Định. Sản lượng thu mua khoảng trên 52 tấn. So với tổng thể, con số này chưa phải là lớn, nhưng đây là vùng sản xuất lạc tập trung có sự đầu tư, liên kết của doanh nghiệp và có ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Với giá thu mua theo hợp đồng từ đầu vụ là 23.000 đồng/kg, nhà nông vừa yên tâm về đầu ra ổn định vừa thấy rõ hiệu quả kinh tế. Bởi trước kia tự trồng, tự tiêu thụ, năng suất chất lượng không cao mà giá bán cũng thấp hơn vài giá.
Bước tiếp theo của dự án này sẽ là đầu tư hình thành các cơ sở chế biến, bảo quản và mở rộng vùng liên kết khoảng vài trăm héc ta. Có sự đầu tư của doanh nghiệp, vùng sản xuất lạc tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ đang dần hình thành rõ nét.
Một số hình ảnh về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và mô hình nông, lâm nghiệp
TỪ TƯ VẤN XÂY DỰNG ĐẾN TRANG TRẠI NUÔI BÒ
Cuối tháng 5/2015, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi tập trung bò sinh sản, bò thịt tại thôn Pắc Pàu, xã Trung Thành, huyện Tràng Định của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Giao thông Cửa Đông.
Ông Sầm Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: được sự giúp đỡ của các ngành liên quan, đến thời điểm này, Công ty đã cơ bản lập xong dự án và hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường theo quy định, dự kiến tháng 7 sẽ khởi công các hạng mục và đầu năm 2016, trang trại đi vào hoạt động.
Trong bản vẽ, cả khu trang trại chăn nuôi bò rộng trên 10 ha khép kín từ vùng sản xuất thức ăn đến các phân khu chức năng được thể hiện chi tiết. Năng lực của trang trại tối đa đạt 800 con bò, từ sinh sản đến vỗ béo. Ông Sầm Tiến chia sẻ: tính sơ sơ đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ đồng.
Ngay giữa vùng đất khó của Tràng Định, trang trại chăn nuôi hiện đại gắn với khoa học, công nghệ đang thành hình với sự quyết tâm, đầu tư mạnh về tài chính của doanh nghiệp.
Nông dân xã Xuất Lễ (Cao Lộc) chăm sóc rừng hồi
XUẤT HIỆN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ LỚN
Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất với nông dân. Tuy nhiên, thực chất những doanh nghiệp này hầu hết là siêu nhỏ, chủ yếu liên kết sản xuất theo thời vụ, không có kế hoạch, dự án dài hơi và cũng chưa có sự đầu tư thích đáng.
Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều doanh nghiệp đến khảo sát và xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây nhất, trung tuần tháng 6, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương đầu tư Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ an toàn sinh học tại lân Kênh Thang, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Đây là doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh và dự án đầu tư rất lớn.
Trong nửa đầu năm 2015, đã có khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho 3 dự án lớn về chăn nuôi tại Hữu Lũng, Đình Lập và Tràng Định. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: với lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học kỹ thuật…, doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, khơi dậy tiềm năng cho sản xuất nông – lâm nghiệp Lạng Sơn.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()