Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Khó ló cái khôn
LSO- Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT, hiện nay toàn tỉnh có 29 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 225 triệu USD. Một số dự án, hoạt động hiệu quả, tuy vậy, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, qua 6 tháng đầu năm 2015, Lạng Sơn vẫn chưa thu hút thêm được dự án nào.
Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương
Từ kết quả nhiều năm trước
Với nhiều chính sách ưu đãi, những năm gần đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh đã dần được cải thiện, thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến đầu tư các dự án vào Lạng Sơn. Các dự án từ nguồn vốn FDI trong thời gian qua đã tạo việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một số lĩnh vực như lắp ráp ô tô, chế biến khoáng sản, trồng rừng… đã góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Như dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Dragon của Công ty TNHH sản xuất ô tô Miền Bắc Việt Nam. Hiện đang hoạt động khá hiệu quả. Theo tính toán, đến hết năm 2015, vốn thực hiện của dự án sẽ là 2,3 triệu USD. Doanh thu đạt khoảng 10 triệu USD, nộp ngân sách 1,5 triệu USD.
Dự án nhà máy chế biến chì thỏi của Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ cũng vậy. Đến nay nhà máy hoạt động tương đối hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng chì điện phân đạt trên 2.000 tấn, doanh thu đạt khoảng 4,3 triệu USD.
Thu hút được 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào tỉnh nếu so sánh một số tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh… thì chưa thể sánh bằng, nhưng với tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn thì con số này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong thu hút FDI. Nhưng việc thu hút nguồn vốn, cũng như hoạt động của các dự án có đạt hiệu quả hay không thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Vận hành hệ thống trộn lọc khoáng sản tại Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ
Đến khó khăn hiện tại
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong tổng số 29 dự án FDI thì 18 dự án đang hoạt động ổn định, 5 dự án gặp khó khăn vướng mắc, 5 dự án đang tạm ngừng hoạt động, 1 dự án chưa hoạt động. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến độ triển khai của một số dự án chậm; một số nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh chưa ổn định, hiệu quả đầu tư thấp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phải thu hồi giấy phép đầu tư dự án Trung tâm thương mại, dự án khách sạn, nhà hàng của Công ty Liên doanh Thế Kỷ.
Được biết, nguyên nhân chính khiến số lượng dự án gặp khó khăn trong việc triển khai và dừng hoạt động nhiều như vậy là do mức độ cam kết vốn, năng lực của các nhà đầu tư và số vốn đầu tư thực sự còn hạn chế.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2015 mới giải ngân được 910.000 USD, doanh thu đạt khoảng 6 triệu USD. Con số này kém xa so với cùng kỳ năm 2014 (6 tháng đầu năm 2014 giải ngân 2,3 triệu USD). Điều này cho thấy, hoạt động của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang gặp khó khăn, các dự án sản xuất phần lớn hoạt động cầm chừng.
Khó khăn của các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút dự án đầu tư mới. Hiện tại qua nửa năm chưa thu hút thêm được dự án mới nào, chỉ điều chỉnh 1 dự án xây dựng nhà máy bật lửa ga của Công ty TNHH Thực nghiệp Hàng Phong.
Sẽ chuyển hướng xúc tiến thu hút đầu tư
Đầu tư nước ngoài vào Lạng Sơn chủ yếu là các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo đánh giá, năng lực vốn của một số chủ đầu tư dự án yếu nên dự án không phát huy hết hiệu quả như mong đợi. Không những vậy, hiện tại, do các yếu tố về kinh tế, xu hướng các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Lạng Sơn giảm.
Anh Nông Việt Cường, Phó Trưởng phòng Đầu tư Hợp tác – Sở KH&ĐT cho biết: thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chuyển hướng sang xúc tiến thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính công nghệ cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các thành viên trong khối EU. Chú trọng khai thác, huy động vốn vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, phát triển ngành dịch vụ, du lịch.
Cùng đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo kế hoạch và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia tổ chức trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh việc quảng bá về cơ chế, chính sách, dự án gọi vốn đầu tư, môi trường đầu tư của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI trên địa bàn nhằm nắm rõ những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư để đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp xử lý, hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án lớn.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Ý kiến ()