Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistic để đón đầu các FTA
Giải quyết hàng loạt điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách… là giải pháp quan trọng giúp kéo giảm chi phí logistics, từ đó tạo sức bật cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt thời gian tới.
Theo Niên giám thống kê vận tải và logistics Việt Nam, tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam là 630.564km nhưng tổng chiều dài các đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000km.
Bên cạnh đó, các hạ tầng kết nối đường bộ với cảng biển như cảng container nội địa, hay các trung tâm logistics đa phương tiện vẫn còn thiếu vắng đang khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh.
Giải quyết hàng loạt điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách… là giải pháp quan trọng giúp kéo giảm chi phí logistics, từ đó tạo sức bật cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt thời gian tới.
Vậy cần những giải pháp nào để giảm chi phí logistics, chính sách nào để thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistic, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp Việt?
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
– Ông có đánh giá thế nào về hạ tầng logistic Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Thanh Hải:Hạ tầng là một trong những thành phần thiết yếu để phát triển logistics của bất kỳ quốc gia nào, bên cạnh các yếu tố khác như môi trường thể chế, nhân lực, công nghệ và đào tạo.
Tại Việt Nam, hạ tầng về logistics nói chung; trong đó có hạ tầng về vận tải, hạ tầng kho bãi đã có những bước thay đổi nhanh trong thời gian qua.
Ở góc độ hạ tầng giao thông, trong 10 năm gần đây, hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ đã được mở rộng và nối dài. Việt Nam cũng đã có những cảng biển lớn như cảng Cái Mép-Thị Vải, cảng Cát Lái… là những cửa ngõ trung chuyển quốc tế.
Đối với vận tải hàng không, Việt Nam đã xây dựng được sân bay mới và nâng cấp hiện đại những sân bay cũ. Gần đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng sân bay Long Thành được dự kiến là điểm trung chuyển vận tải hàng không trong khu vực.
Hạ tầng đường sắt là lĩnh vực kém phát triển và cũng chưa phát huy được vai trò vận tải để chung tay góp phần giảm chi phí logistics.
Các trung tâm logistics cũng phát triển nhanh, đặc biệt tại các khu có công nghiệp phát triển như Hải Phòng, Bắc Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Các trung tâm không chỉ phát triển về số lượng, mà diện tích, quy mô hay các trang thiết bị, trình độ quản trị cũng từng bước được nâng cao.
– Không ít nhà đầu tư đã tự bỏ vốn để đầu tư hạ tầng logistic như sân bay, đường cao tốc, trung tâm logistic. Vậy điểm tựa nào đã thu hút được các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải:Các nhà đầu tư đã theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, có thể thấy trong một thập kỷ qua, GDP của Việt Nam thường xuyên tăng trưởng ở mức từ 6 đến 8%. Sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa và hoạt động thương mại đều có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và hạ tầng logistics gia tăng.
Thực tế, dịch vụ cũng như hạ tầng logistics nội địa chưa đáp ứng được so với sự phát triển của sản xuất và thương mại tại Việt Nam. Điều này không khó để các nhà đầu tư có thể nhìn thấy nhu cầu này để đầu tư đón đầu tại các khu vực trọng yếu.
– Có ý kiến cho rằng, chi phí dịch vụ logistics còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ông có nhận định gì về ý kiến này?
Ông Trần Thanh Hải:Chỉ số về chi phí logistics với GDP (tổng sản phẩm nội địa) có những cách đánh giá khác nhau, tuy nhiên chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn khá cao.
Có một số nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam cao và chưa ở mức như mong muốn. Điều đầu tiên, đó chính là hạ tầng logistics chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa đồng bộ và còn thiếu tính kết nối liên hoàn dù đã được đầu tư.
Các phương thức vận tải có giá thành rẻ như đường biển và đường sắt chưa phát huy được. Trong khi đó, phương thức vận tải đường bộ đang đảm nhiệm đến gần 80% tỷ trọng mà phương thức này chi phí cao.
Cùng với đó, việc kết nối giữa các cảng cửa ngõ với các phương tiện vận tải hiện nay chưa có, chỉ duy nhất phương thức vận tải đường bộ kết nối được. Còn đường sắt vẫn kết nối được với các cảng.
Một vấn đề nữa là hiệu quả của hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, chính là năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị, trình độ nhân lực tác nghiệp… ở quy mô quốc tế còn thiếu nên hiệu suất chưa được cao.
– Vấn đề giảm chi phí để hạ giá thành vốn là bài toán hóc búa trong hoạt động logistics tại Việt Nam. Vậy lời giải cho bài toán này sẽ được giải quyết thế nào trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải:Việc cải thiện năng lực logistics của Việt Nam qua đó kéo giảm chi phí logistics phải diễn ra một cách song hành.
Đầu tiên là môi trường chính sách, chính là những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn hoặc đưa ra những chính sách định hướng rõ ràng về việc phát triển lĩnh vực logistics.
Phát triển lĩnh vực logistics không chỉ ở những câu chuyện vận tải hay kho bãi, mà việc phát triển logistics còn liên quan đến chính sách phát triển của địa phương hay chính sách quá cảnh, đây là những vấn đề này có tác động và đóng góp vào hoạt động logistics.
Việc cải cách thủ tục hành chính và đưa những thủ tục hành chính lên môi trường điện tử sẽ giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp lưu chuyển nhanh và thông suốt cũng sẽ đóng góp vào việc giảm chi phí logistics.
Đối với hạ tầng logistics, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng thì cũng cần chú trọng việc kết nối để nâng cao hiệu quả của các hạ tầng logistics riêng lẻ.
Đối với các doanh nghiệp logistics, nếu vẫn chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không có doanh nghiệp “đầu đàn” có tính chất định hướng và tạo ra sức cuốn hút cho các doanh nghiệp nhỏ thì hiệu quả của lĩnh vực logistics sẽ thấp.
Một vấn đề rất quan trọng đó là ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics và ở lĩnh vực này công nghệ đang được triển khai rất nhanh, từ việc định vị các phương tiện vận tải, tự động hóa quy trình vận chuyển hàng hóa trong nhà kho hay các phần mềm quản lý bến cảng.
Một yếu tố không thể bỏ qua nếu muốn giảm chi phí logistics đó là nguồn nhân lực bởi vấn đề con người là yếu tố quyết định của các hoạt động kinh tế; trong đó có hoạt động logistics.
Trong giai đoạn tới chuẩn bị được một thế hệ nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng như có tinh thần cống hiến sẽ là động lực giúp ngành logistics nhanh chóng bắt kịp được tốc độ phát triển của thế giới./.
– Xin cảm ơn ông!./.
Ý kiến ()