"Trải thảm" đón các nhà đầu tư nước ngoài
- Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thời gian qua Lạng Sơn đã không ngừng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 28 dự án đầu tư có vốn nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 425 triệu USD.
Kết quả bước đầu từ các dự án đầu tư có vốn nước ngoài
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore) là dự án lớn nhất với tổng vốn đầu tư gần 275 triệu USD.
Bà Lê Thị Châm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Lạng Sơn (công ty phụ trách dự án) cho biết: Hiện nhà đầu tư đang thực hiện xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn tại huyện Hữu Lũng. Các hạng mục được xây dựng để đón các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào tỉnh. Dự kiến dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp tạo việc làm cho khoảng 40 nghìn lao động địa phương tại các dự án sản xuất sau này.
“Hiện tại Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có 16 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 87 triệu USD. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại,... Nhìn chung các dự án đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, ngoài bổ sung một số dự án vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, Ban thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp các quy định của pháp luật, các hành lang pháp lý có liên quan đến hoạt động đầu tư để thông tin đến các doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động các về các thủ tục trước khi quyết định đầu tư vào địa bàn…”. Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn |
Ngoài dự án trên, hiện nay một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn tỉnh đang hoạt động khá hiệu quả. Những dự án đầu tư nước ngoài này đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế vào tổng thu ngân sách nhà nước mỗi năm.
Đặc biệt, 16 dự án đầu tư có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) của tỉnh đã góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, năm 2023, tổng thu từ các dự án có vốn nước ngoài trong khu KTCK đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, tăng 0,32% so với năm 2022 và tăng gấp 4,4 lần so với năm 2013. Chính điều đó giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu KTCK trong giai đoạn 2013 – 2023 tăng trung bình 7,6%/năm.
Để có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành nắm bắt cơ hội, chủ động có kế hoạch, chiến lược bài bản trong thu hút đầu tư các dự án có vốn nước ngoài.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư trong những năm qua cũng còn những hạn chế nhất định.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, phần lớn các dự án đầu tư có vốn nước ngoài tại tỉnh có quy mô nhỏ (trừ dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn). Các dự án chủ yếu là gia công, lắp ráp, chế biến sơ, chưa có nhiều dự án sử dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất. Nguyên nhân chính là do trong những năm trước đây, quỹ đất dành cho các dự án đầu tư có vốn nước ngoài chưa nhiều.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Giai đoạn này, tỉnh Lạng Sơn đang có lợi thế về quỹ mặt bằng để thực hiện các dự án, do vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang tính toán chuyển hướng đầu tư vào địa bàn tỉnh. Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư có vốn nước ngoài từ các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… đến với tỉnh Lạng Sơn, chỉ đạo của tỉnh hiện nay là tích cực đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.
Theo đó, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố vận dụng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư.
Điển hình như thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đã và đang chủ động hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án.
Đồng thời sở đã biên soạn tài liệu giới thiệu môi trường đầu tư, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh... để gửi đến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, từ đó kêu gọi doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư có vốn nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về giải pháp thu hút đầu tư vào huyện Hữu Lũng, bà Dương Thị Hạnh, quyền Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Để thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có vốn nước ngoài vào địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất "sạch" luôn được huyện Hữu Lũng tích cực thực hiện, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Cụ thể, UBND huyện Hữu Lũng đã bàn giao gần 60ha mặt bằng "sạch" cho nhà đầu tư dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn để triển khai các hạng mục; đã bố trí khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án Cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án;...
Thực tế, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố của tỉnh thời gian qua thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào địa bàn để trao đổi, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp nói chung, từ đó kịp thời nắm bắt, giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND tỉnh tổ chức ít nhất 1 hội nghị xúc tiến đầu tư để giới thiệu về các dự án của tỉnh, về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư; các huyện, thành phố mỗi năm tổ chức ít nhất 1 hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp; các ngành của tỉnh thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư.
Đặc biệt, không chỉ tổ chức xúc tiến trong nước, tỉnh còn tăng cường tổ chức xúc tiến đầu tư tại các chương trình ở nước ngoài. Trong đó, chú trọng xúc tiến thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khu vực ASEAN, EU...
Cùng đó, tỉnh đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư nước ngoài...
Với những giải pháp đã triển khai, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 2 doanh nghiệp có vốn nước ngoài với tổng mức đầu tư hơn 3.250 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã làm việc với 37 doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài để mời đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực như: hạ tầng công nghiệp, bán dẫn, hạ tầng giao thông đô thị, thương mại, dịch vụ,…
Thực tế cho thấy, với việc xây dựng chính sách thông thoáng, ưu đãi, tỉnh Lạng Sơn đang tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Qua đó từng bước đưa Lạng Sơn trở thành động lực tăng trưởng và là trung tâm kinh tế của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Ý kiến ()