Thu hút các dự án FDI vào nông nghiệp
Ðến nay, cả nước thu hút được gần 15 nghìn dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký hơn 216 tỷ USD. Tuy nhiên, mới chỉ có 496 dự án được đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD, chiếm 3,3% về số dự án và 1,5% tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Ðến nay, cả nước thu hút được gần 15 nghìn dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký hơn 216 tỷ USD. Tuy nhiên, mới chỉ có 496 dự án được đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD, chiếm 3,3% về số dự án và 1,5% tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Lĩnh vực nhiều rủi ro
Là tỉnh duyên hải nằm ở cực bắc của vùng kinh tế trọng điểm miền trung, do đặc thù về lãnh thổ, chịu ảnh hưởng khí hậu của cả phía bắc và phía nam, thuận lợi về giao thông, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển nông, lâm nghiệp. Ðất đai ở Quảng Trị vừa đa dạng vừa phức tạp, phân bổ từ ven biển đến đồi núi cao, trong đó 79,8% diện tích là đồi núi. Tiềm năng về đất của Quảng Trị còn khá lớn, với 4. 754,73 km2 chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trên địa bàn tỉnh đang hình thành những vùng chuyên canh có sản lượng nông sản lớn như vùng lúa trọng điểm Hải Lăng, năm nghìn ha cà-phê, hai nghìn ha hồ tiêu, vùng sắn nguyên liệu mười nghìn ha và hơn 191 nghìn ha rừng sản xuất. Ngoài ra tỉnh còn có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản ven biển và phát triển chăn nuôi trên đất đồi rừng. Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có hai dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hai dự án FDI của tỉnh Quảng Trị gồm một dự án nuôi tôm công nghiệp và một dự án sản xuất tôm giống. Thăm khu trại sản xuất giống của Công ty TNHH giống thủy sản Uni-President Việt Nam tại huyện Hải Lăng, chúng tôi được biết, công ty đã chuẩn bị cho ra mẻ tôm giống thẻ chân trắng đầu tiên. Ðây là điểm sản xuất giống thứ hai của công ty này. Ðiểm sản xuất thứ nhất đã triển khai khá hiệu quả tại tỉnh Ninh Thuận. Hỏi vì sao đơn vị quyết định đầu tư sản xuất tôm giống tại đây? Ðại diện công ty cho biết, thứ nhất là hiện nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng của các tỉnh ven biển nước ta cần hàng chục tỷ con giống/năm. Dọc các tỉnh Bắc Trung Bộ chưa có điểm sản xuất tôm giống thẻ chân trắng nào, người nuôi phải vào tận Nam Trung Bộ mua giống. Thứ hai, công ty đã ứng dụng thành công và triển khai những dự án này khá hiệu quả ở Ðài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác.
Công ty Uni-President đã thấy tiềm năng và hiệu quả đầu tư. Chính vì thế, sau một thời gian triển khai, công ty quyết định tăng gấp ba số vốn đầu tư, từ 2,5 triệu USD lên 7,5 triệu USD, mở rộng quy mô sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường mỗi năm ba tỷ con tôm giống.
Với tiềm năng như vậy, chính sách khuyến khích đã có, nhưng vì sao tỉnh Quảng Trị chưa thu hút được FDI trong nông nghiệp? Lý do là lĩnh vực này có nhiều rủi ro. Nông nghiệp nước ta, nhất là dải đất miền trung này, một trận thiên tai, một đợt dịch bệnh có thể làm người ta trắng tay ngay lập tức. Ngoài ra, cũng phải kể đến một vài nguyên nhân khác như quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, phương thức tổ chức sản xuất còn lạc hậu. Vì thế, mặc dù có thế mạnh và tiềm năng về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp như cà-phê, cao-su, nhưng các nhà đầu tư đều không mặn mà.
Tập trung vào ngành nghề lợi nhuận cao
Tại tỉnh Hải Dương, theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh thì trong tổng số 243 dự án FDI đầu tư vào Hải Dương (vốn đăng ký 5,676 tỷ USD), chỉ có 13 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 132,7 triệu USD. Là một tỉnh đồng bằng, diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 63% diện tích đất tự nhiên, dân số 1,7 triệu người, trong đó 70% làm nông nghiệp, có trình độ thâm canh khá cao so mặt bằng chung cả nước thì đó là con số khá khiêm tốn, mà chủ yếu có trước năm 2007, trong đó một số doanh nghiệp chế biến nông sản chỉ hoạt động cầm chừng hoặc đã chuyển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chỉ còn bốn doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hoạt động ổn định. Nguyên nhân một số dự án FDI hoạt động không hiệu quả là do thị trường tiêu thụ bấp bênh; mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu chặt chẽ. Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương, việc khó thu hút được các dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp là do lợi nhuận thấp và hệ số rủi ro cao; lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản thiếu bền vững. Khi không tiêu thụ được doanh nghiệp tìm mọi cách từ chối mua sản phẩm, người nông dân thì phải bán sản phẩm ra thị trường khi giá thu mua của doanh nghiệp thấp. Liên kết “bốn nhà” còn lỏng lẻo và chưa hướng tới mục tiêu cùng chung tay phát triển lâu dài.
Nước ta có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, nhân lực rẻ, sức mua lớn và ổn định về chính trị, nhất là những năm gần đây đã trở thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu về các mặt hàng gạo, cà-phê, cao-su, tiêu, điều và sản phẩm gỗ. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta vượt mốc 27 tỷ USD, với hàng chục mặt hàng lần đầu vượt mốc kim ngạch xuất khẩu một tỷ USD. Nông nghiệp ngày càng đóng vai trò nền tảng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Nhưng, trong khi tốc độ FDI của cả nước tiếp tục tăng thì FDI trong nông nghiệp lại có xu hướng giảm. Thống kê cho thấy, tỷ trọng FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đã giảm từ 9,4% tổng FDI cả nước giai đoạn 1988-1990 xuống còn hơn 1,5% như hiện nay. Theo dự báo, xu hướng giảm chưa dừng lại ở đó. Năm tháng đầu năm nay, mặc dù cả nước thu hút được 398 dự án FDI mới và 160 dự án tăng vốn, với tổng vốn 8,17 tỷ USD, nhưng cũng chỉ có bốn dự án mới đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, với vốn đăng ký 10,71 triệu USD.
Theo lý giải của Bộ NN và PTNT, ngoài các yếu tố như rủi ro cao do thường xuyên bị thiên tai và dịch bệnh tàn phá, đầu tư FDI vào nông nghiệp có lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm; sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn ở quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún, nhất là công tác xúc tiến FDI vào nông nghiệp thiếu bài bản, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng, thiếu nguồn lực và kinh phí khi triển khai xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm.
Bộ NN và PTNT cũng cho biết, thời gian gần đây, các nhà đầu tư hạn chế đầu tư vào sản xuất mà đang có xu hướng chuyển sang xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Hầu hết các dự án gửi đến Bộ xin thẩm định hồ sơ hiện nay đều xin quyền xuất, nhập khẩu độc quyền, hoặc quyền bán buôn, bán lẻ… Ðây là xu hướng không an toàn trong thúc đẩy sản xuất và lành mạnh thị trường nông sản. Ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng ngại đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá cả cũng biến động phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi cho phía người nuôi trồng, sản xuất. Ðầu tư xã hội của nước ta vào lĩnh vực nông nghiệp cũng rất thấp. Mới đây, Quốc hội nâng đầu tư xã hội cho nông nghiệp lên 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên con số đó vẫn còn khá thấp với một lĩnh vực chiếm hơn 50% lực lượng lao động như hiện nay
Cần có chiến lược dài hạn
Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương, để tăng thu hút FDI vào nông nghiệp, tỉnh đang xúc tiến xây dựng cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp và nông dân khi tham gia thực hiện dự án, hạn chế thấp nhất chi phí cho các nhà đầu tư; quy hoạch đất đai cụ thể, chi tiết, trong đó chính sách giao, cho thuê đất thông thoáng hơn; xây dựng, triển khai chính sách đào tạo nghề để cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước. Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, căn cứ thực tế thu hút FDI vào nông nghiệp của tỉnh thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh thời gian tới sẽ tập trung khuyến khích, thu hút FDI vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tranh thủ công nghệ, giải quyết lao động và thúc đẩy sản xuất phát triển. Không nên kêu gọi đầu tư dàn trải, chủ yếu tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vào các dự án để phát triển những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có khả năng phát triển sản xuất hàng hóa lớn.
Thực tế phát triển kinh tế-xã hội nước ta những năm đổi mới đã cho thấy nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là nòng cốt, là trụ cột của nền kinh tế. Khi nền kinh tế khủng hoảng, nông nghiệp sẽ là chỗ dựa tin cậy cho nền kinh tế đất nước, cho lực lượng lao động nông thôn và duy trì sự ổn định xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp cần được coi là công tác trọng tâm của ngành nông nghiệp.
Theo Bộ NN & PTNT, để khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách. Cụ thể là hướng đầu tư một cách có trọng điểm vào nông nghiệp, kêu gọi thu hút FDI vào nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tiếp tục thực hiện triệt để và có hiệu quả Nghị định số 61 của Chính phủ về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung nghị định này theo hướng tăng hỗ trợ về mặt tín dụng, lãi suất, nâng cao hiệu quả của xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cao nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Ðáng chú ý, Bộ đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Ðề án thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2020. Ðây được coi là một chiến lược thu hút đầu tư FDI một cách bài bản. Mô hình đầu tư thí điểm Ðối tác công tư (PPP) được thành lập giữa Bộ NN & PTNT và 15 Tập đoàn quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) cũng đang được Bộ tổng kết rút kinh nghiệm, qua đó xây dựng Ðề án cơ chế đầu tư công trong ngành nông nghiệp, dự kiến triển khai trong năm 2013.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả thu hút FDI vào nông nghiệp, cần có những chính sách nới rộng hạn điền, vì với quy mô nhỏ hẹp như hiện nay thì rất khó để thu hút đầu tư, bởi quy mô nhỏ hẹp, manh mún chỉ phù hợp với những hộ gia đình cá thể khó tạo ra được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, với chất lượng và hiệu quả cao.
Phân bố FDI trong lĩnh vực nông nghiệp hiện không đồng đều giữa các vùng sinh thái, tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu và khí hậu thổ nhưỡng, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư. Ðông Nam Bộ chiếm tỷ lệ đầu tư FDI cao nhất với 28,7%, Tây Nguyên 21%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 17,1%, đồng bằng sông Cửu Long 17,1%. Tại trung du và miền núi phía Bắc 7,6%, đồng bằng sông Hồng 8,2%. Ðã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào nông nghiệp nước ta, chủ yếu từ châu Á, trong đó Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan là những nhà đầu tư lớn nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()