Thu hồi “chính sách” thu mua sữa tươi bất hợp lý
Sáng 13-1, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Lê Văn Minh cho biết, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) đã thu hồi thông báo “chính sách” hạn mức thu mua không vượt quá 16 kg sữa tươi trên một con bò, mỗi ngày; gây bức xúc trong các hộ chăn nuôi bò sữa tại địa phương.
* Nông dân khốn đốn vì chính sách “ngược đời” của công ty thu mua sữa
Trao đổi với phóng viên NDĐT, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, sau khi cùng với Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương làm việc trực tiếp với Dalat Milk; trước mắt, Công ty thống nhất thu hồi thông báo hạn chế thu mua sữa tươi với các hộ đã ký hợp đồng và tiến hành thu mua sữa nguyên liệu bình thường. Thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xác định lại sản lượng, chất lượng sữa đối với từng hộ dân đã ký kết để điều chỉnh lại hợp đồng thu mua phù hợp.
Cùng ngày, đại diện Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt (Đơn Dương, Lâm Đồng) xác nhận, sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cùng với chính quyền địa phương làm việc với Dalat Milk, Công ty đã nhận thấy văn bản thông báo nêu trên bất hợp lý và tiến hành thu mua sữa tươi nguyên liệu cho nông dân theo hợp đồng cam kết.
Như NDĐT đã thông tin, ngày 7-1-2015, Dalat Milk ra thông báo áp dụng định mức cho phép về sản lượng thu mua sữa hàng ngày của nông dân là: “không vượt quá 16kg/ngày đối với mỗi con bò vắt sữa”. Theo lý giải, đây là giải pháp để tránh tình trạng người chăn nuôi mua sữa từ bên ngoài bán lại cho Công ty, trong khi hiện nay tình hình phát triển sản xuất, tiêu thụ sữa do Công ty sản xuất đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ cung cấp sữa nguyên liệu cho Công ty từ trước đến nay, đó là “chính sách” quá khắt khe với nông dân. Vì, hầu hết mỗi con bò sữa thường cho bình quân trên 20kg sữa mỗi ngày, vậy 4kg sữa “thừa” ngoài định mức, họ không biết bán cho ai và xử lý thế nào, nên đành đổ bỏ.
Theo số liệu mới nhất, hiện tổng đàn bò sữa của huyện Đơn Dương là 8.848 con (đàn bò cái vắt sữa khoảng 4.000 con), sản lượng sữa tươi đạt 70 tấn mỗi ngày. Trong đó, số hộ dân chăn nuôi bò sữa là 698 hộ, với tổng đàn 5.988 con (chiếm 68%), với sản lượng sữa tươi khoảng 45 tấn/ngày. Tại địa phương hiện có ba công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu, trong đó Dalat Milk thu mua tám tấn sữa tươi mỗi ngày (chiếm 18% tổng sản lượng sữa tươi toàn huyện), thông qua hợp đồng với 128 hộ dân, giá thu mua từ 13,5 đến 14 nghìn đồng/kg.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thời gian gần đây, đàn bò sữa của huyện Đơn Dương tăng nhanh, đặc biệt là tăng cơ học theo hướng nhập giống từ tỉnh khác vào và tăng đàn tự nhiên nhờ ứng dụng thành công công nghệ tinh phân giới tính. Nguyên nhân chủ yếu đàn bò sữa phát triển nhanh, do thị trường tiêu thụ sữa tươi khá ổn định liên tục trong thời gian dài và giá sữa tăng đều qua các năm, người chăn nuôi có lãi, đã kích thích sự nhân đàn, tăng đàn.
Với hình thức liên kết thu mua sữa nguyên liệu giữa các doanh nghiệp với nhà nông thời gian qua, đã tạo sự ổn định về “đầu ra” cho sản phẩm của nhà nông, thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở huyện. Tuy nhiên, việc đàn bò sữa tăng nhanh thời gian gần đây, đặc biệt là tăng cơ học chưa kiểm soát được nguồn gốc, lý lịch, chất lượng con giống. “Doanh nghiệp và nông dân phải tôn trọng hợp đồng, minh bạch các nội dung trong chuỗi liên kết. Riêng nông dân, không nên tăng đàn bò sữa tự phát, phải cung ứng đúng sản lượng, chất lượng sản phẩm theo cam kết” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng khuyến cáo.
Trước mắt, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân không tăng đàn bò sữa tự phát, không bán sữa nguyên liệu “ký gửi” ngoài hợp đồng; địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu với nông dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()