Thu hồi 6 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông
Trong tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông của 6 công ty với lý do, đã có giấy phép được trên hai năm mà các đơn vị này vẫn không hoạt động.
Các quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông mà Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã ký bao gồm của 6 công ty: Công ty cổ phần CNTT – TT ITCOMM; Công ty cổ phần vô tuyến IP Việt Nam; Công ty cổ phần Thanh Tâm (TT&T); Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình; Công ty cổ phần thương mại dịch vụ A SAO và công ty cổ phần truyền thông 388.
Lý do thu hồi giấy phép: các công ty này đã vi phạm khoản d điều 39 của Luật Viễn thông yêu cầu doanh nghiệp nhận giấy phép phải cung cấp dịch vụ trong vòng hai năm kể từ ngày được cấp phép. Tuy nhiên, thậm chí cả 6 công ty này đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông đã trên 3 năm, nhưng vẫn chưa triển khai cung cấp các dịch vụ đăng ký trong giấy phép.
Từ trước tới nay, việc cấp phép các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện miễn phí, xem xét chủ yếu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, nhà nước chưa thu thương quyền. Đây cũng là lý do vì sao thời gian gần đây có doanh nghiệp viễn thông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu lại giấy phép vì sau hai năm thậm chí là hơn thế mà họ vẫn thản nhiên không thiết lập và cung cấp dịch vụ ra thị trường.
Mặc dù Bộ đã thực hiện theo quy định nếu doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ theo đúng thời điểm quy định sẽ bị thu hồi lại giấy phép, khi đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới nhưng hình thức xử lý này vẫn được coi là quá nhẹ đối với các doanh nghiệp.
Khi muốn cấp thì xin bằng được và được rồi doanh nghiệp lại không biết làm gì với tấm giấy phép đó. Do đó, để tình trạng trên không còn xảy ra nữa, thời gian tới, hầu hết các giấy phép viễn thông đều sẽ thu phí thương quyền.
Phí thương quyền được hiểu là phí bỏ ra để có quyền được kinh doanh một dịch vụ viễn thông nào đó. Trên thực tế, loại phí này đã được khá nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện khi cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông. Hình thức thu phí thương quyền cũng khá đa dạng như đấu thầu hoặc thi tuyển.
Dự kiến sẽ có rất nhiều dạng phí thương quyền được áp dụng. Chẳng hạn như có phí thương quyền thu ở mức cố định một năm thu một lần mấy triệu, còn có những cái thu theo phần trăm doanh thu. Được biết, Nghị định về thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, gấp rút hoàn thiện dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8/2010.
Ý kiến ()