Thủ hiến Scotland kêu gọi Anh tìm cách kéo dài thời hạn chuyển tiếp
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Anh sẽ chính thức rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung EU.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon ngày 20/12 kêu gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson tìm cách kéo dài thời hạn chuyển tiếp hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) để tập trung ứng phó với diễn biến căng thẳng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, bà Sturgeon nêu rõ: “Điều quan trọng bây giờ là ngài Thủ tướng phải tìm kiếm một thỏa thuận gia hạn thời kỳ chuyển tiếp hậu Brexit. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và những tác động của nó cho thấy chúng ta đang đối mặt với tình hình vô cùng nghiêm trọng, buộc phải tập trung chú ý 100%. Sẽ là không hợp lý khi giải quyết cùng lúc với Brexit.”
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Anh sẽ chính thức rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung EU.
Tuy nhiên, đàm phán về quan hệ song phương thời hậu Brexit vẫn chưa đạt kết quả do Anh và EU chưa chịu nhượng bộ đủ để tạo ra đột phá.
Trưởng đoàn đàm phán phía EU Michel Barnier cho biết các cuộc thảo luận với người đồng nhiệm Anh David Frost đã đến hồi “quyết định” trong ngày 20/12.
Ông nhấn mạnh: “EU tiếp tục cam kết với một thỏa thuận công bằng, tương hỗ và cân bằng. Chúng tôi tôn trọng chủ quyền của Anh và cũng hy vọng có được điều tương tự. Cả EU và Anh đều phải có quyền viện dẫn luật pháp riêng và kiểm soát các vùng biển của mình. Và cả hai phía đều có thể hành động khi các lợi ích của mình lâm nguy.”
Về phần mình, giới chức Anh tiếp tục kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh quan điểm để mở đường tiến tới đột phá trong đàm phán. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã đề nghị EU bỏ “những đòi hỏi vô lý,” đề cập những yêu cầu mà phía Anh cho biết EU mới đưa ra hồi đầu tháng này.
Phát biểu với Sky News, ông Hancock khẳng định Anh muốn có được một kết quả tích cực là một thỏa thuận, tuy nhiên EU đã đưa ra một số đòi hỏi vô lý, không tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân ở Anh.
Ông Hancock nhấn mạnh hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhưng với điều kiện phía EU cần phải điều chỉnh quan điểm.
Trên thực tế, EU muốn bảo lưu quyền áp đặt các rào cản thương mại nếu Anh thay đổi quy định trong tương lai. Ngược lại, London muốn có quyền áp đặt các quy định riêng và quyền đáp trả nếu phía bên kia thay đổi luật chơi.
Theo kế hoạch, các bên tiếp tục đàm phán trong ngày 21/12, tức là qua hạn chót 20/12 mà Nghị viện châu Âu (EP) đặt ra.
Các cuộc đàm phán hiện vẫn tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt: quyền đánh bắt cá của EU tại các vùng biển của Anh và tạo “sân chơi” với các quy định về cạnh tranh công bằng cho cả hai phía./.
Ý kiến ()