Thu gần 16 nghìn tỷ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng
Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: đã thi hành xong gần 1.900 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng.
Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo về công tác tư pháp Quý 3/2022.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 Đề án do Bộ Tư pháp trình. Công tác thẩm định được thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Bộ đã có ý kiến thẩm định đối với 36 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tích cực, chủ động kiểm tra theo thẩm quyền; tiếp tục thực hiện rà soát chuyên sâu đối với một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo kế hoạch của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương. Theo đó, toàn hệ thống thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực cụ thể.
Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 đã thi hành xong 539.290 việc, tăng 44.785 việc, đạt 82,5% (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng đạt 45,42% (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong đó, đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng: Đã thi hành xong trên 6.000 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng.
Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: đã thi hành xong gần 1.900 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng.
Thông tin về hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết, năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật với đời sống xã hội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 vào ngày 6/11/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lễ hưởng ứng có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; đại diện lãnh đạo một số địa phương được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 9/11 hằng năm, được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực cho biết, việc kết nối chia sẻ thông tin giữa 2 cơ sở dữ liệu liên quan đến Đề án 06. Đề án được triển khai từ đầu năm 2022 với nhiều nhiệm vụ nên có độ “trễ” nhất định để xử lý từng nhiệm vụ, từ đó giúp Đề án 06 được đưa vào phục vụ người dân tốt hơn .
Trong thời gian qua, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an rà soát đồng bộ dữ liệu quốc tịch, dân cư, làm sao dữ liệu hộ tịch, dân cư khớp nhau. Trong thời gian sớm nhất có thể đưa vào vận hành. Bộ Tư pháp cũng đang tích cực triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin không chỉ với dữ liệu quốc gia về dân cư mà với các chuyên ngành khác.
Trả lời câu hỏi về việc hình thức đấu giá trực tuyến có giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc “thông đồng, dìm giá, xã hội đen phá hoại các cuộc đấu giá” hay không, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định, nếu nền tảng công nghệ thông tin và nhân sự của các tổ chức đấu giá tốt thì có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản vì đấu giá trực tuyến không tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia đấu giá với nhau.
Mỗi người tham gia đấu giá được mở một tài khoản tại tổ chức đấu giá, được phát một mã định danh và trả giá qua phần mềm trên mã định danh được cấp đó. Do đó, hình thức này sẽ hạn chế được bất cập trên./.
Ý kiến ()