Thủ đoạn mới của các “trùm” đánh bạc nghìn tỷ
Mặc dù thời gian qua, lực lượng công an liên tục tổ chức các kế hoạch đấu tranh, triệt phá tội phạm tổ chức đánh bạc qua mạng, nhưng do thu lợi nhuận lớn cho nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp. Thay vì hoạt động theo lối truyền thống, hiện tại nhiều đối tượng chuyển sang tổ chức đánh bạc theo dạng núp bóng đầu tư “tiền ảo” và tìm cách tẩu tán tiền bất chính.
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an một số địa phương đã liên tiếp triệt phá các đường dây đánh bạc quy mô cực lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo đó, qua công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng internet do Đỗ Ngọc Hà, sinh năm 1984, thường gọi là “Hà Miên”, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cầm đầu. Tổng số tiền cược của hệ thống đánh bạc này chỉ tính từ ngày 19/4/2021 đến thời điểm đối tượng bị bắt giữ đã lên đến hơn 1,1 tỷ euro, quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Các điều tra viên trực tiếp của vụ án cho biết, “Hà Miên” vốn là đối tượng từng vào tù ra tội với bốn tiền án, hai tiền sự. “Hà Miên” cũng là một cái tên khét tiếng được giới dân chơi Hà Nội biết đến từ lâu, vì những hình ảnh khoe tiền, khoe xe, phụ kiện tiền tỷ trên mạng xã hội. Để thiết lập đường dây đánh bạc, Hà móc nối với Bùi Hoàng Sơn, 33 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Khác với các “trùm” đường dây đánh bạc truyền thống, Hà và Sơn rủ nhau tham gia các khóa học về đầu tư tài chính, tiền ảo để mở mang kiến thức. Sau đó, các đối tượng nghĩ ra cách tổ chức đánh bạc dưới hình thức kêu gọi người chơi đầu tư tiền kỹ thuật số theo mô hình đa cấp. Ban đầu, Hà lập trang web https://cp.starcsn.com liên kết với nhà cái Evolution có máy chủ đặt tại nước ngoài (các con bạc sử dụng tiền điện tử kỹ thuật số USDT đặt cược tại trang web https://cp.starcsn.com dựa trên kết quả của nhà cái Evolution). Đến ngày 4/1/2021, Hà và Sơn bắt đầu cho hoạt động trang web https://cp.starcsn.com và mời gọi người chơi. Để phát triển mạng lưới đánh bạc, các đối tượng tổ chức đường dây đánh bạc dưới dạng “nhóm Evol” vận hành có sự phân cấp (level) theo sơ đồ hình chóp. Các đối tượng cầm đầu đào tạo một số thành viên khác làm việc theo group (nhóm) như: Marketing – quảng cáo kêu gọi các nhà đầu tư trên các trang mạng xã hội; chuyên gia đào tạo tổ chức các khóa đào tạo để giới thiệu về Evol và hướng dẫn con bạc cách chơi, đặt cược trong game casino của Evol. Theo đó, các con bạc trước khi tham gia có thể đăng ký đánh bạc (6 ca/ngày), muốn tham gia ca nào thì sẽ được cho vào nhóm của ca đó và được chuyên gia đọc lệnh hướng dẫn. Chưa dừng lại ở đó, Hà còn nghĩ ra chiêu trò bán các gói “bảo hiểm” cho con bạc, Hà và Sơn tổ chức giới thiệu người chơi tham gia gói bảo hiểm khoản đầu tư bởi Công ty Evol với khẩu hiệu “Thắng tiền các bạn cầm, thua tiền chúng tôi bù”.
Quá trình đấu tranh với các đường dây đánh bạc quy mô lớn, các trinh sát thường gặp nhiều khó khăn do hệ thống đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài, hệ thống cơ sở dữ liệu trang web được bảo mật cao; các đối tượng tổ chức thay đổi tên miền liên tục, trung bình ba tháng thay đổi một lần… Bên cạnh đó, các đối tượng trao đổi thông tin liên lạc qua các ứng dụng Telegram, Zalo, Facebook gây nhiều khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu đấu tranh, phá án. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, triệt phá các vụ đánh bạc trên mạng là dựa trên chứng cứ điện tử cho nên nhiều trường hợp khi phát hiện bị lộ, các đối tượng có thể đánh sập hệ thống hoặc xóa hết các dữ liệu mạng khiến việc thực hiện các biện pháp tố tụng gặp khó khăn. Vì vậy, Bộ Công an đã chủ động đào tạo trinh sát, điều tra viên có nghiệp vụ chuyên môn giỏi để tấn công trấn áp tội phạm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, một thủ đoạn mới của tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng trong thời gian gần đây là tìm cách tẩu tán, ẩn giấu tiền bất chính thu được từ hệ thống đánh bạc. Điển hình như vụ triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng với tổng số tiền giao dịch lên tới 14 nghìn tỷ đồng do Phạm Công Anh (trú tại tỉnh Lạng Sơn) cầm đầu, do Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) chủ trì điều tra. Mặc dù lượng tiền giao dịch lớn như vậy nhưng quá trình bắt giữ, ngoài tang vật là một số ô-tô, lực lượng công an bước đầu chỉ thu giữ được một số thẻ ngân hàng có giá trị tài khoản hơn một tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với quy mô của đường dây này. Theo Công an huyện Gia Lâm, thực tế, không chỉ đường dây của Phạm Công Anh, mà có nhiều chuyên án triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng trong thời gian gần đây, lượng tiền mặt thu giữ được đều không lớn. Lý giải điều này, các điều tra viên vụ án cho biết, rút kinh nghiệm từ vụ án đánh bạc qua mạng nghìn tỷ của Phan Sào Nam, các đối tượng sau này đã rất ít khi sử dụng giao dịch tiền mặt và dùng các thủ đoạn để ẩn giấu đi nguồn tiền thu được, ẩn giấu số tài sản bất chính mà chúng thu được từ việc tổ chức và đánh bạc, cá độ. Nhiều đối tượng đánh bạc còn chuyển hóa tiền thu được thành các giao dịch Bitcoin, tiền kỹ thuật số nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Trước thực trạng nêu trên, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, hiện nay, phương thức, thủ đoạn của tội phạm rất tinh vi khi tận dụng các kỹ thuật công nghệ thông tin để kêu gọi đầu tư tài chính, nhằm che giấu hành vi đánh bạc. Các đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc thường “đánh bóng” bản thân bằng việc mua nhà, mua xe sang, thậm chí vay mượn thêm để mua tài sản có giá trị, nhằm quảng bá trên trang đánh bạc để người dân tưởng rằng tham gia vào đây sẽ được lợi nhuận cao. Thực tế hiện nay, có nhiều sàn giao dịch kêu gọi đầu tư tài chính nhưng không được cấp phép. Sau khi hoạt động một thời gian, khi đã có nhiều người chơi “rót tiền” vào thì chỉ một thời gian ngắn là đánh sập. Bởi vậy, người dân cần phải hiểu rõ hoạt động của các trang, nhóm, sàn giao dịch… trên mạng xã hội trước khi quyết định tham gia để tránh mất tiền oan và nguy cơ vi phạm pháp luật.
Ý kiến ()