Thủ đoạn làm 'cháy' tài khoản, ngăn khách rút tiền khỏi sàn lừa đảo của Mr Pips
Nếu khách thực hiện lệnh rút số tiền lớn hoặc có ý định rút nghỉ chơi, nhóm tội phạm sẽ trì hoãn việc này.
Ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin về thủ đoạn ổ nhóm do Phó Đức Nam (Mr Pips; 30 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu, lừa đảo 2.661 bị hại, chiếm đoạt khoảng 50 triệu USD.
Tháng 5/2024, qua công tác trinh sát trên không gian mạng, Công an quận Cầu Giấy phát hiện ổ nhóm nghi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM theo hình thức đầu tư chứng khoán dưới vỏ bọc là Công ty TNHH Artex Vina và các công ty ma.
Công ty do Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú tại Hà Nội) cầm đầu.
Từ khoảng năm 2019, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cấu kết với nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.
Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ thành lập 44 văn phòng tại Việt Nam: 24 văn phòng tại Hà Nội (1.918 đối tượng là quản lý vùng, quản lý văn phòng và nhân viên sale) tập trung ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, quận Thanh Xuân; 20 văn phòng tại TP.HCM, TP Đà Nẵng và một số văn phòng tại Campuchia.
Các đối tượng tuyển nhân viên và phân chia thành các bộ phận như: Bộ phận quảng cáo (marketing), bộ phận chăm sóc bị hại (bộ phận kỹ thuật - ret), bộ phận hỗ trợ bị hại nạp rút tiền (support).
Các nhân viên sale trong các văn phòng chi nhánh chia thành từng nhóm nhỏ từ 5 đến 10 nhân viên để hoạt động và phân công trưởng nhóm (leader), để đào tạo và hướng dẫn các đối tượng sale tìm kiếm dụ dỗ khách hàng chuyển tiền.
Nhân viên sale không có kiến thức về đầu tư ngoại hối, chứng khoán nhưng vẫn sử dụng điện thoại di động để tìm kiếm khách hàng thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook.
Những nhân viên này còn tham gia các sự kiện nhiều người có tiềm năng kinh tế để tiếp cận, kết bạn, làm quen sau đó giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, về các cơ hội đầu tư ngoại hối, thôi thúc ham muốn đầu tư của khách hàng, từ đó hướng dẫn, mời chào đầu tư vào các sàn ngoại hối trên.
Khi khách hàng đồng ý tham gia, nhân viên sale sẽ hỗ trợ khách hàng tạo tài khoản, truy cập vào link web của sàn, sử dụng Gmail để tạo tài khoản giao dịch. Tiếp đó, khách hàng được hướng dẫn tải ứng dụng MT4, MT5 về điện thoại, sử dụng mã tài khoản giao dịch “dán” vào ứng dụng MT5, vào Gmail xác nhận tài khoản.
Trong quá trình hoạt động lừa đảo, nhân viên sale tạo nhiều tài khoản Zalo để giả làm người tham gia đầu tư, chuyên gia tư vấn, đăng nhiều giao dịch thắng trên sàn lên các nhóm Zalo để kích thích mọi người tham gia đầu tư.
Sau khi khách nạp tiền, các nhân viên sẽ đưa ra các thông tin về xu hướng thị trường, khuyến khích khách hàng thực hiện các giao dịch với đòn bẩy lớn, hạn chế việc chốt lời hoặc cắt lỗ trước 3 phút (sau khi đặt lệnh Buy hoặc Sell).
Các đối tượng tự xưng là các chuyên gia tài chính, “thầy đọc lệnh" nói chuyện với khách, khích lệ khách nạp thêm tiền đầu tư mong gỡ lại, tìm cách để họ thua lỗ, "cháy" tài khoản; khách hàng càng nạp tiền nhiều, càng thua nhiều, các đối tượng hưởng lợi càng lớn.
Khách "cháy" lệnh thì nhân viên sale, leader lại dụ dỗ nhiều người nạp tiền chơi tiếp để gỡ hoặc đưa ra các khuyến mãi (bonus) hấp dẫn để khách tiếp tục nạp tiền. Khi khách hàng muốn rút tiền, các đối tượng sẽ thực hiện lệnh rút trên sàn hoặc chat với bộ phận hỗ trợ bị hại nạp rút tiền (support) trên sàn yêu cầu rút tiền.
Thấy khách có lệnh rút tiền, bộ phận hỗ trợ bị hại nạp rút tiền (support) sẽ thông báo xin ý kiến của các đối tượng cầm đầu. Nếu khách thực hiện lệnh rút số tiền ít thì chúng sẽ cho rút. Nếu khách thực hiện lệnh rút số tiền lớn hoặc có ý định rút nghỉ chơi thì leader sẽ yêu cầu sale hoặc trực tiếp tác động để khách thực hiện thêm giao dịch, trì hoãn việc rút tiền nhằm làm "cháy" tài khoản của khách, hạn chế việc khách rút tiền khỏi sàn.
Nhận tiền của khách hàng, các đối tượng dùng tiêu xài cá nhân, mua siêu xe, du thuyền, bất động sản, USD, vàng khoe trên khắp các nền tảng mạng xã hội để kích thích những bị hại khác tiếp tục tham gia vào hoạt động lừa đảo của tổ chức này.
Đến nay, cơ quan điều tra xác định được 2.661 bị hại nạp tiền vào các sàn đầu tư của TikToker Mr Pips với tổng số tiền gần 50 triệu USD.
Cơ quan điều tra tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 28,4 tỷ đồng. Hiện còn nhiều bị hại khác chưa trình báo, cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin, số tiền bị hại bị chiếm đoạt.
Trong quá trình xác minh bị hại, cơ quan điều tra còn gặp nhiều khó khăn do bị hại nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên nhiều bị hại không trình báo, và khi được công an liên hệ thì không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.
- TikToker Mr Pips - từ du học sinh Singapore đến trùm đường dây lừa đảo tài chính
- Muốn sở hữu siêu xe, đồng hồ xịn như Mr Pips, nam sinh bị lừa 8 tỷ đồng
- Thu giữ 246kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe vụ TikToker Mr Pips lừa đảo
- TikToker Mr Pips lừa đảo tài chính: Khởi tố thêm các bị can
- 'Nhà đầu tư tài chính' Mr. Hunter và Mr Pips vừa bị khởi tố là ai?
- Loạt sổ đỏ, túi Hermes bạch tạng, siêu xe bị thu giữ trong vụ Mr Pips lừa đảo
- Đường dây lừa đảo của Mr Pips: Nhân viên bị đánh nếu không đạt chỉ tiêu 'lùa gà'
Ý kiến ()