Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội náo nức mở hội, với niềm tự hào về vị thế và tầm vóc tương lai. Đất kinh đô qua nghìn năm tuổi, vẫn tinh khôi khát vọng bay cao và vươn xa. Sự tồn tại và không ngừng phát triển của Thăng Long – Hà Nội khẳng định bề dày lịch sử văn hiến, anh hùng của Thủ đô, khẳng định sự trường tồn, phát triển bền vững của một quốc gia độc lập, tự chủ.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử tạo dựng và phát triển của Thăng Long – Hà Nội, nhưng là thời kỳ đặc biệt, nhiều ý nghĩa, là bước chuyển mình để Thủ đô mang tầm cao mới, thật sự xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng, càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng: “là trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.
So với năm 1985, GDP năm 2005 của Hà Nội tăng 6,4 lần, thu ngân sách tăng hơn 10 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 47,4 lần. Năm 2005, mặc dù chỉ chiếm 3,7% dân số và 0,3% diện tích lãnh thổ, nhưng Hà Nội đã đóng góp 8% GDP, hơn 10% giá trị sản xuất công nghiệp, 8,87% kim ngạch xuất khẩu, gần 11% tổng đầu tư xã hội và 14,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Tổng vốn đầu tư xã hội của năm 2005 đã nhiều hơn số vốn trong cả giai đoạn 1991-1995. Giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn vốn này ước đạt 538.000 tỷ đồng, chiếm tới 60% GDP, là một trong những yếu tố quan trọng để GDP của Hà Nội những năm gần đây đều cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Thành phố hiện có 11 khu công nghiệp tập trung và 54 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.600 ha. Cơ cấu nền kinh tế của Thủ đô năm 2010 có 53,62% là dịch vụ, 40,92% là công nghiệp – xây dựng và 5,46% là nông nghiệp, càng khẳng định vị thế của Hà Nội trong quá trình CNH, HĐH đất nước.
Sự phát triển mang dấu ấn của thời kỳ đổi mới ở Hà Nội thể hiện rất rõ qua diện mạo và nhịp sống đô thị. Các cửa ô trước đây “tíu tít gánh gồng” chỉ có áo xanh, nâu nay mở ra hiện đại, khang trang. So với năm 1954, diện tích Hà Nội hiện nay đã tăng hơn 18 lần, dân số tăng gần 17 lần. Các trục đường Láng – Hòa Lạc, Thăng Long – Nội Bài, đường vành đai 3, Kim Liên – Ô Chợ Dừa, Giang Văn Minh – Đội Cấn, Lê Văn Lương, đường 32, đường Lạc Long Quân, các nút giao thông nam Chương Dương, nam Thăng Long, Kim Liên, Voi Phục – Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy…, mở ra cơ hội kết nối những vành đai, giao lưu kinh tế, mang dấu ấn một tầm vóc mới của Hà Nội hiện đại, văn minh. Thành phố đã hình thành thêm năm quận và có hơn 40 khu đô thị mới ra đời. Giai đoạn 2000-2005, Hà Nội xây mới hơn sáu triệu m2 nhà ở, gấp bốn lần so với giai đoạn 1995-2000. Đến năm 2009, diện tích nhà ở đô thị đã đạt 8m2/người. Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước, trở thành điểm đến của du khách từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo điều kiện cho các ngành hàng không, thương mại, bưu chính viễn thông phát triển…
Những năm gần đây, thành phố quan tâm thực hiện công tác xã hội hóa, thể hiện sự thay đổi về nhận thức, là biểu hiện cụ thể và sinh động trong hội tụ các nguồn lực để phát triển bền vững. Năm 2009 và sáu tháng đầu năm nay, trong lĩnh vực này, thành phố chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 60 dự án với vốn đăng ký gần 5.500 tỷ đồng, huy động hàng trăm tỷ đồng cho các dự án, công trình kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, 375 tỷ đồng cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm môi trường 15 hồ ở nội thành. Các nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Ké (Chương Mỹ) và khu liên hiệp xử lý rác thải Sóc Sơn, các dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì) và Thiên Trường (Sóc Sơn) cũng được thành phố giao 699 ha đất để kêu gọi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…
Những thành tựu trong thời kỳ đổi mới của Thủ đô Hà Nội đưa đến nhiều ý nghĩa, không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực, gắng gỏi của thành phố mà còn cho thấy những khả năng to lớn, mở ra một thời kỳ tăng tốc, phát triển khi quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò và vị thế Thủ đô, chủ động vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, có những chủ trương, giải pháp đúng, khơi dậy lòng tin và tiềm lực trong dân. Ghi nhận đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô vào sự nghiệp chung của đất nước, tháng 10-2000, Đảng và Nhà nước trao tặng thành phố Hà Nội danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng”. Năm 2004, Hà Nội vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ hai) – phần thưởng cao quý cho những thành tựu thời kỳ 20 năm đổi mới.
Diện mạo Hà Nội khởi sắc sau những năm đổi mới nâng tầm vị thế của Thủ đô đối với bạn bè quốc tế. Đến nay, Thủ đô có mối quan hệ hợp tác với 60 thủ đô và thành phố các nước trên thế giới. Năm 1999, Hà Nội được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) bình chọn là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Tại lễ trao tặng danh hiệu này, Tổng Giám đốc UNESCO Phê-đơ-rích-cô Mây-giơ nhận xét: “Thành phố Hà Nội thể hiện quan điểm toàn diện mang tính nhân văn đối với những vấn đề khác nhau mà tất cả các thành phố hiện nay phải đối phó”. Sự ghi nhận của bạn bè quốc tế càng khẳng định rằng chính nét văn hóa đậm tính nhân văn cùng với những thành tựu của thời kỳ đổi mới đã làm nên diện mạo, sự hấp dẫn của Hà Nội, tạo nên động lực và tác động trực tiếp đến quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Năm 2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tạo cơ hội để các vùng chia sẻ những thành tựu, kinh nghiệm và lợi thế, hỗ trợ, nâng đỡ nhau, để khẳng định một vị thế, tầm vóc mới. Sau hai năm hoạt động theo địa giới hành chính mới, dấu ấn rõ nét nhất và không thể phủ nhận, càng khẳng định vị thế Thủ đô, chính là sự lan tỏa của quá trình phát triển. Với địa giới rộng hơn 3.300 km2, thành phố quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc trong quản lý đô thị nhưng dành ưu tiên đầu tư cho những vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn, cân đối hài hòa các nhu cầu về an sinh xã hội cho gần 6,5 triệu người dân. Sự phát triển của những quận nội thành có thể chậm lại một vài nhịp nhưng diện mạo vùng ven đô, các địa phương mới hợp nhất về Hà Nội đã khởi sắc hơn nhiều. Trong năm 2009, thành phố đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ưu tiên bố trí các nguồn vốn để cải tạo hệ thống đường giao thông, trường học, cải tạo môi trường tại các huyện ngoại thành. Tháng 4 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua đề án “Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến năm 2030” với nguồn đầu tư dự kiến gần 32 nghìn tỷ đồng, để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn dưới 25%…
Tháng tám này, Hà Nội có thêm niềm vui lớn. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới, ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dấu ấn tinh hoa của Thủ đô nghìn năm văn hiến từ đây sẽ càng được khơi nguồn, lan tỏa.
Thăng Long tròn một nghìn năm rạng rỡ, tự hào. Hà Nội, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình với những giá trị văn hóa từ chiều sâu lịch sử. Cùng với niềm vinh dự là khát vọng, mong mỏi và những điều trăn trở. Đại lễ thiêng liêng, phải làm gì để khơi dậy nguồn nội lực và khả năng hội tụ, với khát vọng và niềm tin, để xứng đáng với vị thế và tầm vóc mới? Bằng cách nào khai thác các thế mạnh, tiềm năng để kinh tế Hà Nội luôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững, môi trường xã hội lành mạnh, xây dựng và quản lý đô thị đi vào nền nếp? Làm thế nào để ý thức, nếp sống, lối sống đô thị hay rộng hơn là bản sắc văn hóa và nếp sống thanh lịch đất kinh kỳ không mờ nhạt, hụt hẫng? Bên cạnh sự thanh lịch, hào hoa, làm thế nào để người Hà Nội có thêm chất năng động và thực tiễn, vượt qua những trì trệ, vướng mắc không đáng có, tự tin, cởi mở đón nhận sự giao lưu mà qua đó vẫn tự khẳng định vị thế trung tâm?
Tự hào, tin tưởng, người Hà Nội và đồng bào cả nước càng thấu hiểu và chia sẻ những thách thức mà Thủ đô vẫn đang phải đối mặt. Đó là mỗi chủ trương, chính sách thực thi ở Hà Nội đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội của cả nước, Thủ đô phải dành nhiều thời gian để bảo đảm yêu cầu ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đó là sự quá tải, sự mất cân đối giữa yêu cầu, nhiệm vụ với khả năng và điều kiện đáp ứng, những hạn chế về năng lực tổ chức, kinh nghiệm và trình độ quản lý đô thị, thể hiện rất rõ trong xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, giải quyết nạn ùn tắc giao thông, giải quyết ô nhiễm môi trường, giải quyết sự quá tải của các trường học, bệnh viện trong điều kiện sức ép về gia tăng dân số…
Ý kiến ()