Thư cho em: Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể của con trai
- "Những dòng thư của thiếu tướng Hoàng Đan và vợ của ông - bà An Vinh viết cho nhau hơn 40 năm là minh chứng đậm sâu cho mối tình vượt hai thế kỷ của họ. Biết nhau khi còn nhỏ, nên duyên vợ chồng từ thuở đôi mươi, vì chiến tranh, thời gian bên nhau rất ít ỏi khi vị tướng trận đi khắp các chiến trường đạn bom ác liệt nhất của Việt Nam, thì vợ ông ở nhà vừa nuôi con, vừa lo cho gia đình hai bên và phấn đấu sự nghiệp. Những nhớ thương, giận hờn và chờ đợi họ chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau…
Hoàng Nam Tiến là con út của hai người, bằng ký ức của mình và những lá thư ấy, đã kể lại câu chuyện tình của ba mẹ giữa những tháng năm gian khó. “Thư cho em” được viết ra không chỉ để lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình, mà còn chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về tình yêu của một thời đại anh hùng và lãng mạn.” - Lời trên bìa sách - Nhà xuất bản Hội Nhà văn; Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
Hẹn ước giữa Kỳ Lừa!...
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) là một nhân vật lịch sử. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với những cuộc kháng chiến của dân tộc: từ Thượng Lào năm 1953 đến Điện Biên Phủ năm 1954, từ Mậu Thân 1968 đến thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, từ trận Thượng Đức đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hay sau này là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979… Ông Hoàng Đan sinh ra tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 3/1945, Ông tham gia hoạt động cách mạng, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ông cùng các đồng chí trong Mặt trận Việt Minh tổ chức biểu tình, vận động Nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành Chính quyền tại huyện Nghi Lộc. Tháng 2/1946, ông nhập ngũ, từng giữ các chức vụ: Trung đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.
Năm 1953, Hoàng Đan đã được gia đình tổ chức lễ ăn hỏi với người yêu cùng quê tên là An Vinh. Cuối năm 1953, ngày 6/12, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhằm giải phóng toàn bộ vùng Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho nước bạn Lào giải phóng Thượng Lào. Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Hoàng Đan khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 57, thuộc Đại đoàn 304, được giao nhiệm vụ bao vây, diệt địch ở phân khu Hồng Cúm.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch thắng lợi vang dội đã buộc chính phủ Pháp phải ký hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Chiến thắng đã mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức toàn thế giới”.
Trong niềm vui chung của đồng bào cả nước khi ấy, có niềm vui riêng “thắng trận về lấy vợ” của người lính Hoàng Đan. Suốt mùa đông năm 1953 và chiến dịch Điên Biên Phủ 1954, Hoàng Đan và vợ chưa cưới bặt tin nhau, không một lá thư nào của ông gửi đi được hồi âm, làm cho ông càng nôn nóng trở về với mong muốn được kết hôn với người mình yêu.
Cấp trên của ông khi ấy là tướng Hoàng Minh Thảo, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, đã cấp cho ông một tờ giấy giới thiệu với nội dung rất đàng hoàng và sảng khoái: “Giới thiệu đồng chí Đan về quê lấy vợ”!. Khoác ba lô lên vai, một người một xe, Hoàng Đan đạp thẳng hơn sáu trăm cây số từ Điện Biên Phủ về Nghệ An.
Về đến Cửa Hội thì hay tin An Vinh được cơ quan cử ra Thái Nguyên học ngành thuế vụ. Vô cùng thất vọng, nhưng rồi Hoàng Đan lại đạp xe gần bốn trăm cây số từ Nghệ An ngược ra Hòa Bình rồi lên Thái Nguyên. Tìm đến trường học của An Vinh thì hay tin bà đã tốt nghiệp và được cử lên Lạng Sơn công tác.
Không cưới được vợ, Hoàng Đan trở về đơn vị và đi họp tổng kết chiến dịch ở Việt Bắc mà lòng nhấp nhổm không yên. Nhưng rồi sau đó tin vui: Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam và Pháp đình chiến. Ý định cưới vợi lại bùng lên trong lòng người lính trẻ. Ông lại xin phép cấp trên và tìm đường đạp xe lên Lạng Sơn.
Sau ba ngày đạp xe vượt suối băng đèo, Hoàng Đan có mặt ở tại Kỳ Lừa tấp nập đông vui sau ngày đình chiến. Ông vào trạm thuế thị xã Kỳ Lừa hỏi thăm An Vinh. Cuối cùng cũng gặp được vợ chưa cưới. Đó là một ngày đầu tháng Tám năm 1954. Và sau cùng, đám cưới đã được tổ chức đơn sơ mà hân hoan giữa núi rừng Việt Bắc. Đồng chí Bí thư chi bộ cơ quan của An Vinh có sáng kiến lấy tiêu chuẩn ăn ngày Độc lập 2/9 làm bữa cơm mừng cưới.
Họ cưới nhau, nhưng vẫn giữ nguyên lời ước hẹn: cả hai sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Bởi vậy sau đó, An Vinh tiếp tục ở lại Lạng Sơn công tác. Trưởng Phòng tham mưu, Trưởng Ban tác chiến Hoàng Đan trở về đơn vị.
Đầu năm 1955, Bộ Quốc phòng thành lập Trường Quân chính, Hoàng Đan được điều về Hà Nội làm giáo viên. Đều đặn hằng tuần, ông đạp xe lên thăm vợ. Hết giờ làm việc của ngày thứ Bảy là ông sửa soạn lên đường. Quãng đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn hơn một trăm năm mươi cây số đèo dốc quanh co, lại còn phải đi đò ngang qua rất nhiều sông: sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Thương rồi qua đèo Sài Hồ hiểm trở, hoang vu và thậm chí có cả thú dữ.
Vậy mà ông đạp xe xuyên đêm, để giữa buổi sáng ngày Chủ Nhật thì đến thị xã Lạng Sơn. Vợ chồng gặp nhau vài tiếng, ăn với nhau một bữa cơm, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là chuyện. Thế rồi đến năm giờ chiều, ông lại đạp xe về Hà Nội trong đêm để sáng thứ Hai kịp giờ lên lớp.
Ròng rã từ năm 1955 cho tới đầu năm 1958, người lính Hoàng Đan đã di chuyển liên tục trên “con đường tình yêu” Hà Nội - Lạng Sơn như thế. Lạng Sơn đã trở thành mảnh đất ân tình, một kỷ niệm đẹp trong trong tình yêu, trong cuộc đời cống hiến của tướng Hoàng Đan và vợ là bà An Vinh.
Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể của con trai
Ngày 6/4/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan tổ chức Ngày hội STEM cấp huyện năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo - Thắp lửa đam mê”. Tham dự Ngày hội có hơn 300 học sinh đại diện cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện và 29 trường THCS, THPT trong và ngoài tỉnh.
Là một trong những chuyên gia có mặt tại Ngày hội STEM của huyện Văn Quan, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT phát biểu: “Tôi vô cùng ấn tượng về ngày hội hôm nay của chúng ta. Tôi sẽ vô cùng tự hào nếu như các bạn trẻ và đặc biệt là các học trò của Lạng Sơn, của Văn Quan sẽ bước ra thế giới này bằng chất xám, bằng trí tuệ, bằng tuổi trẻ của mình để sánh vai với các cường quốc năm châu. Các em sẽ sẵn sàng việc ấy vì ngay ngày hôm nay các em đã được học trí tuệ nhân tạo, các em được thực hành robot, tất cả những điều ấy sẽ thắp lên cho các em một niềm tin, một niềm hứng khởi, một niềm đam mê trong tương lai…”.
Doanh nhân Hoàng Nam Tiến vốn được công chúng biết đến trong nhiều vị trí công việc tại Tập đoàn FPT, cũng như nhiều chia sẻ ấn tượng, bổ ích về chuyện kinh doanh, công nghệ, giáo dục tới cộng đồng. Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Lạng Sơn với tôi vô cùng thân thuộc… Ở mảnh đất Lạng Sơn này, tôi vô cùng xúc động vì đây cũng là nơi gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của cha tôi, mang nhiều kỷ niệm với gia đình tôi…”.
Trở về Hà Nội, ông Hoàng Nam Tiến tham dự sự kiện ra mắt cuốn sách “Thư cho em” (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn) kể về cuộc tình kéo dài hơn năm mươi năm của Thiếu tướng Hoàng Đan - một trong những vị tướng nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh - nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu.
Buổi ra sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả và giới truyền thông. “Thư cho em” là cuốn sách đầu tay của doanh nhân Hoàng Nam Tiến với tư cách tác giả và anh cũng chính là người con trai út của hai nhân vật đặc biệt này.
“Ba tôi là Thiếu tướng Hoàng Đan, mẹ tôi là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh. Họ thành vợ chồng vào một ngày mùa Thu năm 1954, sau khi ba đạp xe hơn ngàn cây số tìm cho được người mình yêu cưới làm vợ.” Đó là cách tác giả Hoàng Nam Tiến mở đầu câu chuyện tình yêu trong thời chiến của ba mẹ mình trong cuốn sách “Thư cho em.”
Câu chuyện được kể lại qua hơn bốn trăm lá thư tay viết vội trong suốt hơn bốn mươi năm của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh. Câu chuyện tình hiện lên với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của hai người yêu xa với những nhớ nhung, hờn giận nhưng hơn cả là một câu chuyện tình yêu trong sáng và mạnh mẽ, trải dài qua các trận chiến, những giai đoạn đầy cam go, thử thách của đất nước. Câu chuyện tình của họ còn là câu chuyện của một thế hệ, một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
“Thư cho em” là câu chuyện về tình yêu, tình vợ chồng của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ từ khi hai người mới biết nhau cho đến những năm tháng là vợ chồng, đã có những đứa con nhưng vẫn phải sống trong xa cách triền miên.
Tâm tư tình cảm của họ chỉ còn biết gửi vào những cánh thư đi, về trải dài qua những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, giải phóng Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979... Câu chuyện tình yêu ấy đã tạo nên một một “thiên tình sử” chân thực mà đầy lãng mạn.
Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt nhất, người vợ ông là bà Nguyễn Thị An Vinh ở nhà ba lần vượt cạn một mình, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và không ngừng phấn đấu trong học tập và lao động, để cũng có cho mình một sự nghiệp riêng đáng nể trọng.
Trong suốt những tháng năm cách biệt, những lá thư bồi hồi, tha thiết, đầy lãng mạn đã trở thành sợi dây thắt chặt tình yêu của hai người. Câu chuyện của Tướng Hoàng Đan và bà An Vinh vì vậy không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một cặp vợ chồng, mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ lịch sử không thể nào quên của đất nước: “Cái hôn đầu tiên anh đặt lên môi em hôm ấy... có lẽ ngày ấy cũng đánh dấu quan hệ của chúng ta qua một bước mới phải không em? Sau đó hai hôm anh lên Mậu Lâm và chia tay em đi học. Cái buổi sáng em dậy nấu cơm cho anh ăn và hai chúng ta nói chuyện hứa hẹn với nhau. Chắc em giận anh: “Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh”. Anh nhớ vậy, mà anh cũng tin như vậy”. (Thư Tướng Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, 28/5/1955).
Theo những trang thư ông bà Hoàng Đan - An Vinh gửi cho nhau trong “Thư cho em” và dòng hồi ức của con trai Hoàng Nam Tiến, cả một đời binh nghiệp xông pha nơi trận mạc trong suốt hơn ba mươi năm, chưa có một cái Tết nào Tướng Hoàng Đan được ăn Tết ở nhà - bên gia đình vợ con. Bà An Vinh, vừa phấn đấu hết mình trong thực hiện nhiệm vụ công tác, vừa đảm đang tháo vát hy sinh toan lo việc nhà để chồng yên tâm công tác... Những nỗ lực phi thường của họ đã trở thành những bài học xúc động về lòng nhẫn nại, đức hy sinh cho gia đình, cho xã hội ở vào một thời kỳ lịch sự đặc biệt của dân tộc.
Tự nhận mối tình của ba mẹ mình mang “cảm hứng lãng mạn cách mạng”, tác giả Hoàng Nam Tiến đã lựa chọn một trích dẫn kinh điển của văn học Liên Xô làm lời đề dẫn cho cuốn sách “Thư cho em”: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương...”.
“Tôi viết câu chuyện này để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật trong cuộc đời!”… - Tác giả Hoàng Nam Tiến.
Ý kiến ()