Thông tin xấu độc trên mạng: Cần tăng sức đề kháng của người dùng
Về hình ảnh động chứa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bóp méo gây phản cảm, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thông tin điện tử cho biết đang truy xuất nguồn gốc để xứ lý đối tượng đăng tải.
Mấy ngày nay, dư luận Việt Nam phẫn nộ khi ứng dụng cung cấp hình ảnh động (GIF) trên Facebook cung cấp một tập tin GIF chứa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bóp méo. Nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã bức xúc nhấn nút report (báo cáo) hình ảnh này cho nhà sản xuất.
Hành vi đáng lên án
Ngay sau khi nhận được báo cáo về hình ảnh này, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã làm việc với Facebook, yêu cầu gỡ bỏ và truy xuất nguồn gốc của hình ảnh nói trên.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết ảnh GIF phản cảm nói trên nằm trên Tenor, một trong 2 nguồn cung cấp hình ảnh GIF trên Facebook (cùng Giphy), và có khả năng do đối tượng xấu từ nước ngoài đăng tải.
Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại 2 loại mạng xã hội, một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: Facebook, YouTube, Instagram, Twitter…
Ông Lê Quang Tự Do cho hay đã làm việc với Facebook về vụ việc làm méo hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.
“Internet là một môi trường không biên giới. Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài hiện có một số bất cập hạn chế do vậy có lỗ hổng khiến thông tin xấu phát tán. Rất khó để lường trước và ngăn chặn những thông tin này, tuy nhiên chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành truy tìm nguồn gốc của hình ảnh này và xử lý theo pháp luật,” ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Trong tương lai, để quản lý hiệu quả hơn nội dung trên mạng xã hội, ông Do cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, chẳng hạn như yêu cầu thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trên thực tế, hành vi xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước không mới. Các thế lực thù địch nhiều năm qua vẫn luôn chống phá và có nhiều động thái làm méo mó hình ảnh thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ cũng như chủ quyền quốc gia.
Tiến sỹ ngữ văn Trần Đoàn Lâm, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam và thế giới, cho rằng văn hóa phương Tây có thể tồn tại hành vi làm méo mó hình ảnh danh nhân, lãnh đạo nhà nước, người đứng đầu các đảng phái nhưng ở phương Đông nói riêng và Việt Nam nói chung, đó là điều cấm kỵ, đáng bị lên án.
“Người Việt Nam có truyền thống tôn trọng những nhân vật lịch sử có công lao to lớn. Bác Hồ là danh nhân văn hóa được thế giới công nhận nên mọi hành vi, bóp méo, xuyên tạc hình tượng Bác là không thể chấp nhận,” ông nói.
Cần nhiều bên phối hợp để ngăn chặn thông tin xấu
Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, phó giám đốc công ty Luật TGS (Đoàn Luật Sư Hà Nội) cho rằng để xác định được chính xác phần trách nhiệm của các chủ thể liên quan khi để hình ảnh này xuất hiện, chúng ta cần phải xác định vai trò của mỗi bên đối với hình ảnh này.
Thực tế hình ảnh Bác Hồ bị bóp méo thuộc kho GIF của Tenor, đồng nghĩa với việc bên có quyền sở hữu cũng như gỡ bỏ hình ảnh này thuộc về Tenor chứ không phải Facebook.
Tuy nhiên, Facebook cũng phải chịu trách nhiệm khi thiếu kiểm duyệt để xảy ra việc đối tác của mình (Tenor) đăng tải một tệp GIF có nội dung xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh một cách nghiêm trọng.
“Cả hai phía Facebook và Tenor đề có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dựa trên vai trò và chức năng của mình đối với vụ việc trên. Theo Luật An ninh mạng năm 2018, hành vi đưa thông tin, hình ảnh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị nghiêm cấm tại Điểm d, Khoản 1 Điều 8,” luật sư Nguyễn Đức Hùng nói.
Luật này cũng đã ban hành các biện pháp để bảo vệ an ninh mạng, trong đó bao gồm biện pháp kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng. Trách nhiệm này được giao cho các cơ quan nhà nước cùng phối hợp thực hiện để bảo vệ cho không gian mạng đảm bảo, trong sạch.
Tuy nhiên, những người sử dụng không gian mạng cần phối hợp, giúp đỡ các cơ quan quản lý, kịp thời phát hiện, báo cáo những hành vi, hình ảnh, thông tin sai trái để các cơ quan quản lý kịp thời tiếp nhận và có những biện pháp khẩn cấp ngăn ngừa, khắc phục.
Về xử phạt hành chính, hành vi xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng. Về xử lý hình sự, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam miễn nhiễm với văn hóa độc hại
Mạng xã hội là phương tiện để tiếp cận với thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó sẽ tạo ra hậu quả khôn lường nếu như chúng ta mất cảnh giác.
Do vậy, trước hết, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng này để không bị mắc bẫy, lôi kéo. Nhà chức trách cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng, để mỗi công dân trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái, có “sức đề kháng” và khả năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin xấu, độc.
“Đó mới là giải pháp quan trọng và hiệu quả,” Luật sư Nguyễn Đức Hùng nói.
Theo ông, mỗi công dân cần có trách nhiệm với những nội dung mình đăng tải và tiếp cận. Khi phát hiện những thông tin, hình ảnh sai lệch, vi phạm người dùng cần báo cáo ngay trên nền tảng mạng xã hội mình đang sử dụng và yêu cầu nền tảng đó gỡ bỏ nội dung. Trường hợp nội dung đó vẫn xuất hiện, người dùng có thể báo đến cơ quan có thẩm quyền để đưa ra biện pháp giải quyết.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Trịnh Lê Anh, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng những thông tin bôi nhọ Đảng, lãnh đạo nhà nước và các danh nhân văn hóa là những con virus và chúng ta cần rèn luyện sức đề kháng để chống lại con virus đó: “Một cơ thể khỏe mạnh sẽ miễn nhiễm với virus. Hãy xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam miễn nhiễm với những thứ văn hóa độc hại.”
Tiến sỹ Trịnh Lê Anh cho biết anh từng chứng kiến không chỉ hình ảnh Người bị bóp méo mà còn nhiều hiện tượng tương tự khác nữa. Anh cho rằng chúng ta cần thay đổi cách phản ứng với sự việc.
“Khi nhìn thấy những hình ảnh này, chúng ta không like, share, thậm chí không bình luận chỉ trích hay thả icon phẫn nộ, mà ngay lập tức báo cáo thông tin đó với ban quản trị mạng xã hội, với cơ quan chức năng. Khi thông tin xấu hay fake news không được lan truyền thì những kẻ tạo ra nó đã thất bại,” anh chia sẻ.
“Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ,” việc gìn giữ sự thiêng liêng về hình ảnh, tư tưởng của Người là trách nhiệm không của riêng ai bởi đó chính là gìn giữ văn hóa và sự tự tôn dân tộc./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()