Thông tin khoa học ở tuyến xã: Nâng sức sáng tạo cho nông dân
LSO-Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn đã thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ phục vụ phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cho tuyến xã của tỉnh Lạng Sơn”.
LSO-Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn đã thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ phục vụ phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cho tuyến xã của tỉnh Lạng Sơn”. Sau một thời gian thực hiện, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Nông dân huyện Chi Lăng thực hiện thành công trồng cà chua trái vụ |
Theo thống kê của Sở KH&CN Lạng Sơn, từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã tiến hành lắp đặt được 66 điểm cung cấp thông tin KH&CN tại 66 xã thuộc 10 huyện của tỉnh. Các điểm cung cấp thông tin KH&CN đều được đầu tư về trang thiết bị bao gồm máy vi tính được cài thư viện điện tử với 60.000 thông tin KH&CN và các thiết bị phụ trợ khác để kết nối internet, in ấn tài liệu phổ biến kiến thức cho bà con nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, các điểm cung cấp thông tin KH&CN còn được cung cấp một số thông tin ban đầu về công nghệ mới, thông tin tiến bộ kỹ thuật của Việt Nam và thế giới dưới dạng văn bản toàn văn và phim khoa học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của các xã.
Bà Nguyễn Minh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ – Sở KH&CN cho biết, việc tổ chức mô hình cung cấp thông tin KH&CN tới các xã không ngoài mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thời gian qua, ngành đã phối hợp với VNPT Lạng Sơn tăng cường thiết bị công nghệ thông tin kết nối mạng Internet cho các xã, qua đó giúp khai thác hiệu quả thông tin trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ chỉ đạo sản xuất chung tại các xã. Ngoài ra, với thư viện điện tử, bà con nông dân có thể tra cứu nhanh chóng những thông tin về KH&CN mà mình cần để phục vụ sản xuất.
Theo bà Hà, để mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp đến với bà con nông dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, Sở KH&CN đã phối hợp với UBND các xã cắt cử cán bộ phụ trách, qua đó sẽ cập nhật nhanh chóng các tài liệu kỹ thuật mới, phù hợp với tình hình sản xuất của địa phương. Trong quá trình thực hiện vừa qua, cán bộ kỹ thuật của Sở KH&CN cũng thường xuyên thu thập thông tin theo nhu cầu của nhân dân như: các quy trình kỹ thuật chăm sóc lúa, cây rau màu, cây ăn quả; các bệnh ở cá, gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…, sau đó biên tập và cập nhật vào kho thư viện khoa học xã để phục vụ bà con nông dân.
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của Sở KH&CN cho thấy, tại các điểm cung cấp thông tin KH&CN đều có cán bộ, người dân đến truy cập, khai thác thông tin KH&CN. Số lượng người truy cập hàng năm tại mỗi điểm khoảng 347 lượt. Hầu hết các thông tin KH&CN trong thư viện điện tử được người dân quan tâm đều có thể áp dụng vào phục vụ sản xuất và đời sống, trong đó các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghệ sau thu hoạch; phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe và các thông tin KH&CN thuộc lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay tại các xã xây dựng mô hình điểm cung cấp thông tin KH&CN là cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu nên việc khai thác thông tin KH&CN qua mạng Internet hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất tại các xã vẫn còn thiếu thốn nên việc sao, in tài liệu về các quy trình kỹ thuật cho người dân khi họ muốn tìm hiểu còn hạn chế, phần lớn nông dân các xã chỉ nắm bắt các thông tin qua đài phát thanh, băng đĩa trong khi đó các cơ sở vật chất để trình chiếu phim khoa học lại thiếu do vậy dẫn đến việc tiếp nhận và nắm bắt thông tin ở một số bộ phận nông dân còn thấp. Để phát huy hiệu quả của điểm cung cấp thông tin KH&CN, các xã cần chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin KH&CN thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt thôn bằng các hình thức như chiếu phim khoa học, phát quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn. Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng qua thực tế đã cho thấy mô hình cung cấp thông tin KH&CN cho tuyến xã đã gặt hái được những thành công nhất định. Theo đánh giá của các nhà quản lý và nhân dân tại các xã được triển khai, điểm cung cấp thông tin KH&CN thực sự là đầu mối cung cấp thông tin tại tuyến xã, cơ sở dữ liệu thông tin cung cấp phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện sản xuất, đời sống ở địa phương nên đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Nhiều hộ gia đình tại các xã như Minh Sơn (Hữu Lũng); Bắc Sơn (Bắc Sơn); Tràng Định (Tràng Định); Tân Văn (Bình Gia),… đã mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và đời sống thường nhật, nhiều phương pháp hay, cách làm ăn mới được áp dụng thành công.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các địa phương triển khai mô hình đã cho thấy đây là một hướng đi thực tế, có ý nghĩa thiết thực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việc triển khai mô hình cung cấp thông tin KH&CN thành công sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()