Thông tin, cảnh báo kịp thời các hình thức lừa đảo trực tuyến về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như bảo hiểm xã hội các địa phương cần kịp thời thông tin, truyền thông cảnh báo, nhận diện và phòng, chống các hình thức lừa đảo trực tuyến về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các thông tin về an toàn thông tin mạng.
Đây là một trong những nội dung của Công văn số 1466/BHXH-TT ngày 21/5/2024 về việc thông tin, truyền thông bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ ngày 15/3/2024 của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam (Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ); Quyết định số 510/QĐ-BHXH ngày 7/5/2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ (Quyết định số 510/QĐ-BHXH), để tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố thực hiện một số điểm.
Kịp thời thông tin, truyền thông cảnh báo, nhận diện và phòng chống các hình thức lừa đảo trực tuyến về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các thông tin về an toàn thông tin mạng.
Trước hết, công tác truyền thông cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, thông tin, phổ biến về nội dung Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ và Quyết định số 510/QĐ-BHXH.
Thứ hai, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác an toàn thông tin mạng trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, các hoạt động và kết quả đạt được trong việc triển khai, thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là công chức, viên chức) ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thứ năm, tình hình triển khai nhiệm vụ của Đội ứng cứu sự cố ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm kịp thời chia sẻ các thông tin và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành.
Thứ sáu, kết quả việc hoàn thiện các quy định, hướng dẫn của ngành về an toàn thông tin mạng.
Thứ bảy, kịp thời thông tin, truyền thông cảnh báo, nhận diện và phòng chống các hình thức lừa đảo trực tuyến về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các thông tin về an toàn thông tin mạng.
Thứ bảy, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình triển khai hiệu quả trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Văn bản cũng đề cập tới các hình thức truyền thông
Đó là thông tin, truyền thông trực tiếp tại các hội nghị về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, hoặc lồng ghép cung cấp thông tin trong các hội nghị giao ban cơ quan; lồng ghép cung cấp thông tin tại các hội nghị truyền thông, hội nghị đối thoại, hội nghị cung cấp thông tin,… của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thông tin, truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, Tạp chí Bảo hiểm xã hội; ứng dụng VssID- bảo hiểm xã hội số; khuyến khích công chức, viên chức đăng tải, chia sẻ các tin, bài về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành trên các trang mạng xã hội của cá nhân công chức, viên chức.
Thông tin, truyền thông trên các kênh truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí và qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao tổ chức thực hiện cho Trung tâm Truyền thông, Trung tâm Công nghệ thông tin, các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố.
Ý kiến ()