Thông quan phải nhanh nữa
Triển khai thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS là một bước đi trong lộ trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng, vận hành hệ thống thông quan tự động gắn với Cơ chế một cửa quốc gia (đã được kết nối kỹ thuật giai đoạn I ngày 26-2-2014) sẽ giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan theo các chuẩn mực hải quan hiện đại.
Theo đánh giá, hệ thống này hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sai sót trong quá trình nhập dữ liệu, giảm phụ thuộc văn bản, giấy tờ.
Triển khai VNACCS/VCIS, doanh nghiệp còn được hưởng lợi ích lâu dài khi triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai tại các đơn vị hải quan cả nước.
Tuy nhiên qua triển khai đã xuất hiện tình trạng thời gian thông quan hàng hóa bị chậm. Một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ việc kết nối mạng thông tin giữa một số bộ (trong tổng số tám bộ) có thẩm quyền cấp giấy phép liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với hải quan còn hạn chế.
Hiện tại, thời gian trung bình để doanh nghiệp trong nước hoàn tất thông quan một lô hàng là 21 ngày (trong khi đó mức trung bình ASEAN-6 là 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu). Trong đó, thủ tục hải quan chỉ chiếm gần 30% về thời gian, thời gian còn lại phụ thuộc vào các cơ quan khác. Bởi vậy, nếu thiếu sự phối hợp hiệu quả thì không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan hải quan cũng gặp khó với quá nhiều quy định hiện có (11 luật và khoảng 200 văn bản hướng dẫn dưới luật).
Kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các bộ và hải quan là việc làm nằm trong tầm tay và hoàn toàn có thể đẩy nhanh được, nhưng đến nay, mới chỉ có một vài bộ triển khai được việc này. Trong phiên họp Chính phủ tháng 2-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vấn đề này như một lời nhắc nhở về trách nhiệm người đúng đầu trong công cuộc cải cách hành chính, góp phần đẩy nhanh mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng của đất nước.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2013) do Bộ Nội vụ công bố mới đây cho thấy, PAR INDEX 2013 cấp bộ có giá trị trung bình ở chỉ số thành phần về chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính cao nhất so với các chỉ số thành phần khác.
Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các bộ, sự nhận thức đứng đắn về ý nghĩa, vai trò quan trọng của cải cách hành chính và những quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong cải cách hành chính là nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng cải cách hành chính của các bộ.
Nhưng, để tạo được chuyển biến rõ nét hơn, đưa chính sách đi vào cuộc sống phục vụ sự phát triển của đất nước thì không thể nói chung chung, chần chừ mãi. Cần phải đặt ra những chỉ tiêu, việc làm cấp thiết và cụ thể cho từng thời điểm. Bởi theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, nếu giảm thời gian thông quan của Việt Nam bằng mức trung bình của ASEAN-6, GDP có thể tăng 14%. Nhóm các quốc gia phát triển (ẻCD) cũng đưa ra một kết quả nghiên cứu: Đối với các nước thu nhập trung bình thấp, cắt giảm thủ tục hải quan sẽ giúp giảm 2,2% chi phí thương mại.
Rõ ràng, những con số cụ thể đó đòi hỏi biện pháp cụ thể, mạnh mẽ chứ không thể định tính mơ hồ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()