Thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24-11, các đại biểu Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trong phiên họp buổi chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao tuyên thệ khi nhậm chức
Sáng qua, các đại biểu QH đã thảo luận và biểu quyết thông qua Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về việc quyết định Ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu đại biểu QH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để QH bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia… Theo đó, ngày bầu cử QH Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào chủ nhật ngày 22-5-2016.
Các đại biểu QH cũng đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) gồm ba chương, 56 điều, với 87,65% số đại biểu tán thành. Nội quy quy định: QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20-5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20-10. Trường hợp hai ngày này trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật, thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban TVQH quyết định.
Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa QH do Ủy ban TVQH khóa trước quyết định chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu QH. Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của QH do Ủy ban TVQH quyết định. Chủ tịch QH khai mạc và bế mạc kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa QH, Chủ tịch QH khóa trước khai mạc kỳ họp…
Báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) cho biết, tuyên thệ là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Tổ chức QH. Theo đó, ngay sau khi được bầu thì Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban TVQH đề nghị QH bổ sung một điều mới (Điều 29) quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao, người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá ba phút như trong dự thảo Nội quy kỳ họp QH.
88,26% số đại biểu QH đã tán thành thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH, thay thế Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp QH đã được QH nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16-12-2002. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016.
Các đại biểu QH cũng đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% số đại biểu QH tán thành. Với sáu phần, 27 chương, 689 điều, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, thay thế Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11.
Bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia
Chiều qua, QH đã nghe Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. QH đã biểu quyết thông qua danh sách để QH bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Tiếp đó Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu và QH biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu.
Sau khi Trưởng ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu, QH đã tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trưởng Ban kiểm phiếu đã báo cáo kết quả kiểm phiếu, theo đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng được QH bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia với 91,13% số đại biểu QH tán thành.
Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình của Ủy ban TVQH về dự kiến nhân sự để QH bầu Tổng Thư ký QH, các Đoàn đại biểu QH đã thảo luận về đề nghị QH phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng Thư ký QH.
Hội đồng Bầu cử quốc gia trực tiếp tổ chức việc bầu cử cũng như trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của cử tri trên cả nước, độc lập trong việc phối hợp các cơ quan chức năng lựa chọn các ứng cử viên bảo đảm tiêu chuẩn như luật định. Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có điều kiện để lo tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo việc bầu cử đại biểu QH và HĐND từ Trung ương đến tận cơ sở. Trong trường hợp nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri, của nhân dân thì việc giải quyết cũng sẽ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm khách quan, minh bạch… Đại biểu ĐINH XUÂN THẢO (Hà Nội) |
Nội quy kỳ họp QH nêu rõ, công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của QH. Nội quy kỳ họp QH lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo thuận lợi cho người dân vào tham quan nhà QH, dự thính các phiên họp công khai của QH, một mặt nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, mặt khác tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của QH. Tuy nhiên, việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp QH là một việc làm mới đối với QH Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, Tổng Thư ký QH được giao nhiệm vụ tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của QH.
(Theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()