Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội
Luật Ngày 20-6, Kỳ họp thứ năm, QH Khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 26. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; thảo luận dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu QH thông qua hai nghị quyết và ba dự án Luật.
* Thông qua ba dự án
Luật Ngày 20-6, Kỳ họp thứ năm, QH Khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 26. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; thảo luận dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu QH thông qua hai nghị quyết và ba dự án Luật.
Tạo sự minh bạch trong hoạt động đấu thầu
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu QH về quyết toán NSNN năm 2011.
Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011. Với đa số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011.
Tiếp theo chương trình làm việc, các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Ðấu thầu hiện hành. Theo đó, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ðấu thầu theo nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Việc sửa đổi Luật Ðấu thầu nhằm khuyến khích và thu hút sự đóng góp của khu vực tư nhân để tham gia cùng Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết được bất cập trong việc lựa chọn phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Việc sửa đổi Luật Ðấu thầu lần này nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, khép kín, bảo đảm tính công bằng, cạnh tranh và phòng, chống tham nhũng…
Một số đại biểu nêu ý kiến, hiện nay Nghị định số 15 ngày 6-2-2013 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Luật Xây dựng cho nên không chịu chi phối bởi Luật Ðấu thầu. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu trong đấu thầu nên có quy định về thẩm tra, thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình lựa chọn nhà thầu để giảm các sai phạm, đồng thời hạn chế được việc khi kiểm tra phát hiện sai phạm trong đấu thầu. Về các hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà thầu (Ðiều 32 trong dự thảo Luật), một số đại biểu đề nghị xem lại khoản 3 khi quy định về hành vi cấu kết, thông đồng làm ảnh hưởng đến lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia. Ðây là một quy định quá khái quát và không có tính khả thi, rất khó xác định lợi ích tập thể và lợi ích nào cụ thể của quốc gia. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn, cần xác định rõ đối tượng bị cấm tại khoản 21 chỉ là nhà thầu nước ngoài, sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước có đủ năng lực thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Ðại biểu Hà Sỹ Ðồng (Quảng Trị) và một số đại biểu khác quan tâm nội dung đề cập lĩnh vực đấu thầu qua mạng (Chương IV dự thảo Luật). Ðây là quy định mới, nhằm bảo đảm tính minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu, giảm thời gian đi lại của nhà thầu, giảm thủ tục hành chính do nhà thầu không phải cử người đi đến bên mời thầu để mua hồ sơ. Vì thế đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng một cách hợp lý và khoa học. Ðại biểu Ðinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng để hoạt động đấu thầu qua mạng khả thi, cần quy định rõ hơn cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia. Ban soạn thảo nên xem xét bổ sung người có chữ ký phải gửi kèm giấy chứng thực tư cách cá nhân để bảo đảm tính xác thực của các pháp nhân. Ðồng thời, đề nghị Chính phủ cần xây dựng cơ chế thông tin đạt chuẩn, có cơ chế hoạt động chuyên nghiệp, công khai.
Thông qua hai nghị quyết và ba dự án luật
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014. Báo cáo cho biết, đa số ý kiến đại biểu QH tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014, tập trung vào ba nhóm nội dung chính là, xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn và giám sát chuyên đề. Các ý kiến cho rằng, Tờ trình đã được chuẩn bị kỹ, đáp ứng được yêu cầu đặt ra; việc QH thông qua Chương trình giám sát tại kỳ họp giữa năm trước là phù hợp, tạo điều kiện cho cơ quan chủ trì giám sát, cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan hữu quan chủ động trong công tác chuẩn bị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Sau khi nghe Báo cáo và dự thảo Nghị quyết nêu trên, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 92,57% tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014.
Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Trần Văn Hằng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào; nghe Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Ngô Ðức Mạnh trình bày dự thảo Nghị quyết này. Sau đó, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 92,37% tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào.
Các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Báo cáo cho biết, ngày 31-5, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hòa giải cơ sở, có 27 vị đại biểu QH phát biểu ý kiến. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật này còn năm chương và 33 điều. Các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 90,36% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật Hòa giải cơ sở.
Các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú. Báo cáo cho biết, sau khi điều chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật này còn hai điều. Các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 88,96% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Cuối phiên họp buổi chiều, sau khi nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp. Báo cáo cho biết: Hầu hết ý kiến đại biểu QH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp và cho rằng, việc sửa đổi Khoản 2 Ðiều 170 sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp sắp hết thời hạn hoạt động trong hai năm 2014 và 2015 được đăng ký lại để điều chỉnh thời hạn hoạt động. Sau khi nghe Báo cáo nêu trên, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết với 83,13% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()