– Sáng ngày 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 với 87,75% số phiếu tán thành.
Cụ thể, số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết là 447, chiếm 89,76% so với tổng số các đại biểu.
Có 437 đại biểu Quốc hội tán thành, tương đương 87,75%.
Nội dung quan trọng của Nghị quyết là tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 495.189 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 719.189 tỷ đồng, bao gồm cả 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Các đại biểu cũng thông qua phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về ý kiến đề nghị tăng chi cho sự nghiệp y tế và một số ngành, lĩnh vực như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật…, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 cho biết, tại phiên họp ngày 12-11-2013, UBTVQH đã có báo cáo tiếp thu và giải trình ý kiến ĐBQH về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, trong đó chỉ rõ mức bố trí tăng chi cho sự nghiệp y tế bảo đảm cao hơn mức tăng chi bình quân của tổng chi NSNN. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, việc bố trí kinh phí cho sự nghiệp y tế và cho hầu hết các ngành, lĩnh vực hiện còn ở mức thấp so với nhu cầu. Trong bối cảnh khó khăn chung của cân đối NSNN, nhiều nhiệm vụ chi chưa được bảo đảm, UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội chấp thuận mức bố trí kinh phí như Chính phủ trình.
Về đề nghị phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) nên chú trọng ưu tiên các vùng, địa phương gặp nhiều khó khăn, vùng bị thiệt hại do thiên tai; các dự án về giao thông, y tế, thủy lợi, UBTVQH nhận thấy, trong phương án phân bổ NSTƯ, việc đầu tư cho các vùng, địa bàn khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ đã được chú trọng, ưu tiên. Cụ thể như, theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển đã ưu tiên bố trí vốn cho các địa bàn khó khăn, các địa phương có số thu cân đối ngân sách thấp, tập trung cho một số mục tiêu về giảm nghèo, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khu neo đậu tránh trú bão, lũ… Trong phương án phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 đã thể hiện định hướng ưu tiên cho đầu tư phát triển lĩnh vực giao thông, thủy lợi ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đối với các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, bão, lũ, Nhà nước sẽ bố trí sử dụng nguồn dự phòng để hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương này.
Ngoài ra, để tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương trên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành NSNN, tiếp tục xem xét hỗ trợ cho các địa phương trên từ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung hoàn thành các công trình, dự án lớn thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, thủy lợi và các công trình đê, kè, góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở TƯ và từng tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến ()