Thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014
Ngày 11-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 17. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 11-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 17. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014; thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
GDP tăng khoảng 5,8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Theo đó, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình năm 2013, ba năm 2011-2013 như dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng không quá 7% và không vượt quá mức tăng GDP năm 2013. UBTVQH cho rằng, tiếp tục tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu ưu tiên trong năm 2014 và định hướng trong hai năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm; mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% đến 7% theo Nghị quyết của QH. Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô. Vì vậy, đề nghị giữ chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7% như dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cho Chính phủ linh hoạt trong điều hành. Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu về tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị do mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ khoảng 5,8%. Qua phân tích, UBTVQH cho rằng, bảo đảm việc làm là một yêu cầu lớn đối với nền kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Do đó, giữ hai chỉ tiêu này như dự thảo Nghị quyết làm cơ sở để Chính phủ phấn đấu ở mức cao nhất, từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.
Tiếp đó, Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát trong năm 2014: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Các chỉ tiêu kinh tế được dự thảo xác định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%…
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2014, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Kết quả ba năm (2011-2013) cơ bản thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết QH là “tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý”; một số cân đối lớn của nền kinh tế đạt kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp; kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong một đến hai năm tới.
QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014, với 84,54% tổng số đại biểu tán thành.
Tại phiên làm việc buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân.
Sau khi nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ; QH thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm tính khả thi của luật
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án luật: Xây dựng (sửa đổi) và Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi).
Thảo luận về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều đại biểu ở các đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình, Hải Dương cho rằng: Dự thảo luật có hơn 50 điều khoản sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” và 25 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể hoặc chi tiết là quá nhiều. Một số thuật ngữ, quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn, tạo thuận lợi khi thực hiện luật: loại bỏ một số quy định khung, bổ sung vào Dự thảo Luật những quy định cụ thể trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của luật.
Có ý kiến nêu rõ, hoạt động đầu tư xây dựng có tính chất phức tạp, đa dạng. Hơn nữa, QH đã và đang chuẩn bị ban hành hoặc sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất với một số Dự án Luật đang được trình QH, nhất là Dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi), Dự án Luật Ðầu tư công, với hệ thống pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế.
Một số đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật bao gồm “hoạt động đầu tư xây dựng” vì cho rằng đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng… với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Về Luật BVMT (sửa đổi), một số đại biểu nêu rõ, Dự thảo Luật vẫn còn tới 12 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 18 điều giao các bộ, ngành hữu quan hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được, đây là số lượng lớn. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn một số điều, khoản quy định chung chung; chuẩn mực pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường thiếu cụ thể cho nên khó áp dụng. Ðề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và cụ thể hóa hơn những quy định liên quan quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động BVMT. Ðồng thời, đề nghị cụ thể hơn đối với những quy định còn chung chung; đưa vào Dự thảo Luật những quy định dưới luật đã được áp dụng có hiệu quả, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Có đại biểu nêu ý kiến, Dự thảo Luật đã dành một chương quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và trách nhiệm của UBND các cấp. Tuy nhiên, chương này chưa bao quát hết nội dung quản lý nhà nước về BVMT, chưa hệ thống đầy đủ trách nhiệm của các bộ, ngành; quy định về trách nhiệm của từng bộ, ngành còn nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau cho nên dễ dẫn đến sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm của các bộ, ngành. Ðề nghị Ban soạn thảo rà soát, hệ thống lại trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp để quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()