Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Ngày 25-6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ chín, buổi sáng, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua bốn luật và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Hình thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực
Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, với 91,5% tổng số đại biểu tán thành. Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), với 89,47% tổng số đại biểu tán thành.
Với 86,64% tổng số đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo Nghị quyết, Dự án được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu: Xây dựng Cảng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức
Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Về quy mô, trên diện tích đất 5.000 ha của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (114.450 tỷ đồng, tương đương 5,45 tỷ USD), đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả. Nghị quyết nêu rõ, việc triển khai dự án phải bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả đầu tư; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư. Có đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường, huy động và cân đối các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật, không gây tác động xấu đến nợ công.
Tại phiên làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động, với 88,87% tổng số đại biểu tán thành; biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, với 90,89% tổng số đại biểu tán thành.
Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc
Buổi chiều, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu QH đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi). Xây dựng dự án luật lần này đã cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền công dân, quyền con người, xây dựng thể chế kinh tế thị trường. Đại biểu QH đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về quyền nhân thân (từ Điều 25 đến Điều 38), nhiều đại biểu đồng tình chế định về quyền nhân thân trong dự thảo Bộ luật đã được chỉnh lý tại nhiều điều khoản, quy định cụ thể các quyền nhân thân để xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ dân sự, những quyền dân sự gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân. BLDS cần phát triển các quy định mang tính nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Chung quanh quy định hạn chế việc đặt tên tại đoạn thứ nhất khoản 3 Điều 26: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”, nhiều đại biểu tán thành quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp. Thảo luận tại tổ vừa qua, một số đại biểu cho rằng, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng – an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn) chưa tán thành với một số ý kiến cho rằng nên bỏ quy định tại đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26, nêu “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”. Đại biểu phân tích, thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy, tất cả các văn bản của chúng ta hiện nay đều nhất quán quan điểm ngôn ngữ, văn phạm phải là tiếng Việt, dễ hiểu. Nhìn xa ra thế giới, mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng của mình và ra sức bảo vệ, phát triển ngôn ngữ của mình. “Vậy tại sao chúng ta lại tự “hòa tan”, “lai căng” để đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc?” – Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu câu hỏi.
Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu (Điều 133), đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) và một số đại biểu đề cập quy định Khoản 2 Điều 133 dự thảo BLDS bổ sung quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi tài sản là đối tượng của giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định nêu trên vì cho rằng, nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thật sự hoàn thiện, đồng bộ. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề cập cụ thể hơn về nội dung bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, cho rằng một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là thiện chí, trung thực. Do đó, cần có hành lang pháp lý phù hợp để bảo vệ những người tham gia các giao dịch dân sự thiện chí, ngay tình.
Đối với những vấn đề, nội dung quan trọng còn ý kiến khác nhau, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho rằng, BLDS là bộ luật nền, chúng ta cần tuân thủ tất cả các nguyên tắc chung, cơ bản. Các quan hệ dân sự được nêu trong nhiều luật chuyên ngành nếu khác, hoặc trái với BLDS, thì theo hướng sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành cho phù hợp với BLDS.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Nếu Nhà nước không thừa nhận người chuyển đổi giới tính, tức là họ tiếp tục phải sống “ngoài vùng phủ sóng” về pháp luật. Việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự với những người chuyển giới tính sẽ giải quyết như thế nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh):
Cần tiếp tục tổ chức thêm hội thảo, hội nghị chuyên đề để Bộ luật Dân sự (sửa đổi) khi ban hành sẽ mang tính bao quát, ổn định lâu dài.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()