Thông qua Nghị quyết tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm
Ngày 27-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm với 425 phiếu tán thành, đạt 85,34%.
– Ngày 27-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm với 425 phiếu tán thành, đạt 85,34%.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu trong năm 2014 và những năm tiếp theo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 năm 2012 về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án năm 2013”; đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng.
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Dự thảo Nghị quyết cho biết, với nghị quy định cụ thể hơn hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, UBTVQH đã chỉnh lý Điểm 3 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết như sau: “yêu cầu kiểm sát viên phải chủ động tham gia xét hỏi, luận tội có căn cứ thuyết phục, đối đáp đầy đủ ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”. Đồng thời, tại Điểm 3 Dự thảo Nghị quyết cho phù hợp với chức năng của Tòa án nhân dân tối cao, UBTVQH đã chỉnh lý như sau: Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự.
Về đề nghị quy định “hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan” tại Điểm 3 của Dự thảo có được hiểu là thay thế quy định “hạn chế ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012” ghi trong Nghị quyết 37, theo UBTVQH, Nghị quyết 37 giao chỉ tiêu định lượng cho ngành tòa án “hạn chế ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012” là chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện. Từ năm 2014 và những năm tiếp theo, ngành Tòa án sẽ thực hiện chỉ tiêu định tính “hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan” đã thể hiện tại Điểm 3 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết.
* Một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết
Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ các lực lượng tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình, xã hội; giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, địa bàn dân cư, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội
Thứ hai, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong suốt quá trình tố tụng; chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chống lạm dụng việc bắt khẩn cấp, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan giảm đáng kể tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung, khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; khắc phục các trường hợp lạm dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chủ động tham gia xét hỏi, luận tội có căn cứ thuyết phục, đối đáp đầy đủ ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; việc đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định pháp luật; kiên quyết kháng nghị yêu cầu Tòa án xét xử nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.
Thứ ba, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước.
Thứ tư, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tăng cường giám sát việc phát hiện và xử lý tội phạm, tham nhũng; kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục hạn chế, thiếu sót. Hằng năm, giám sát một số chuyên đề, một số vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm; giám sát, đôn đốc các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nêu tại Nghị quyết này và báo cáo kết quả giám sát trước UBTVQH, Quốc hội.
Trong lĩnh vực phụ trách của mình, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp trong giám sát việc phát hiện, xử lý tội phạm, tham nhũng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()