Thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng
Sáng ngày 26-11, các đại biểu Quốc hội đã nhấn nút thông qua dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng với tỷ lệ đồng ý là 84,82%. Luật gồm bảy chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại Điều 1. Theo đó, Luật này quy định về quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng (CN và VCQP); quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với QNCN, CN và VCQP; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đđối với người lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp quân đội, trong đó có doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động và pháp luật có liên quan nên đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này trong Luật.
UBTVQH cho hay, tình hình thực tế hiện nay một vị trí chức danh theo biên chế của các đơn vị quân đội có thể bố trí nhiều đối tượng là QNCN, CN và VCQP, đã gây bất cập trong quản lý và thực hiện chính sách. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bố trí làm cơ sở để Bộ trưởng Quốc phòng căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, xây dựng danh mục vị trí chức danh bảo đảm ổn định, thống nhất trong quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách như đã được quy định, bổ sung hoàn chỉnh tại Điều 5 dự thảo Luật trình Quốc hội.
UBTVQH đã rà soát, chỉnh lý, hoàn chỉnh về quyền và nghĩa vụ của QNCN, CN và VCQP tại Điều 6 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Theo đó, đã làm rõ các nghĩa vụ chung của QNCN, CN và VCQP và nghĩa vụ riêng của từng đối tượng cho phù hợp với thực tiễn xây dựng QĐND, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về những điều quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được làm, UBTVQH quy định thành bốn nhóm hành vi mà QNCN, CN và VCQP không được làm. Trong đó, có quy định chung và quy định cụ thể đối với từng đối tượng cho phù hợp với pháp luật có liên quan tại Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý các quy định làm rõ việc xếp loại, nâng loại, chuyển vị trí chức danh của QNCN, CN và VCQP tại ba điều (Điều 15, Điều 29 và Điều 30) phù hợp với pháp luật về lao động và pháp luật về viên chức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức của quân đội. Theo đó, QNCN được xếp theo trình độ đào tạo và tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm; CNQP xếp loại theo trình độ đào tạo và trình độ kỹ năng nghề, VCQP thì căn cứ vào chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về viên chức.
Cấp bậc quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong quân đội nhân dân. Theo dự thảo Luật Chính phủ trình, hệ thống cấp bậc quân hàm của QNCN quy định từ Thiếu úy đến Thượng tá là kế thừa pháp luật hiện hành, bảo đảm tương quan với sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong Công an nhân dân và đang thực hiện ổn định.
Đối với người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ là QNCN từ trước tới nay Bộ Quốc phòng đã ưu tiên tuyển dụng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quân đội và phong quân hàm theo quy định của Luật sĩ quan. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định chuyển ngạch và độ tuổi phục vụ cao nhất của QNCN dự bị tại Điều 24 để tránh mâu thuẫn với chế độ phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong Luật nghĩa vụ quân sự.
Theo UBTVQH, pháp luật hiện hành chưa quy định QNCN dự bị. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân trong tình hình mới với nhiều đơn vị chiến đấu có trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại phải có lực lượng được chuyên nghiệp hóa cao. Vì vậy, cần có quy định về tổ chức, xây dựng lực lượng QNCN dự bị trong Luật này để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng động viên trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh. Mặt khác, đội ngũ QNCN tại ngũ có một số chức danh chuyên nghiệp quân sự khi thôi phục vụ tại ngũ có thể xếp là hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị như quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự để phù hợp khi tổ chức các đơn vị dự bị động viên ở địa phương. Do đó, quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình vẫn bảo đảm thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở vừa bảo đảm độ tuổi phù hợp yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, vừa thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng đặc biệt này và bảo đảm thống nhất giữa các điều luật, UBTVQH đã chỉnh lý lại khoản 4 Điều 17 như sau: “Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên, thì được nghỉ hưu. Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Ngoài ra, theo UBTVQH, quân y sĩ là QNCN phục vụ trong các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu cần có sức khỏe và độ tuổi phù hợp, nhưng khi sức khỏe không đủ đảm nhiệm công việc này, thì được điều chuyển sang vị trí khác, vẫn làm chuyên môn mà không phải đào tạo lại hoặc thôi phục vụ tại ngũ.
Báo cáo của UBTVQH đã làm rõ nguyên tắc xây dựng tiền lương của QNCN, CN và VCQP, bổ sung hoàn chỉnh quy định về nâng lương, hạ bậc lương; xác định rõ chế độ phụ cấp của từng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và đặc thù hoạt động quân sự trong QĐND và thống nhất trong hệ thống pháp luật về chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định QNCN được hưởng phụ cấp nhà ở, UBTVQH nhận thấy, sĩ quan quân đội và sĩ quan công an (trong đó có cả sĩ quan chuyên môn kỹ thuật) theo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân đã được hưởng phụ cấp nhà ở. Hiện nay, QNCN và sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an đang thực hiện cùng một bảng lương và nhiều chế độ khác. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Về quy định CN, VCQP được hưởng phụ cấp thâm niên, báo cáo của UBTVQH nhấn mạnh, trong một đơn vị QĐND được biên chế gồm có sĩ quan, QNCN, CN và VCQP, các đối tượng này cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ của QĐND. Hiện nay, sĩ quan và QNCN đã được hưởng chế độ thâm niên, CN và VCQP chưa được hưởng nên gây tâm tư trong đội ngũ này. Vì vậy, để khắc phục những bất cập trong thực tế hiện nay, đề nghị Quốc hội cho CN và VCQP được hưởng phụ cấp thâm niên, bảo đảm công bằng khi thực hiện nhiệm vụ trong cùng môi trường, tính chất đặc thù như dự thảo Luật Chính phủ trình.
UBTVQH cho rằng, pháp luật về bảo hiểm y tế chưa quy định đối tượng thân nhân của CN và VCQP được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do Nhà nước đóng, nhưng để bảo đảm công bằng với quân nhân khác cùng làm việc như nhau, trong cùng điều kiện môi trường đặc thù quân sự, trong đó lực lượng CN và VCQP được tổ chức và thực hiện nhiệm vụ trong Quân đội nhân dân từ năm 1949 với nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo khảo sát, trong số thân nhân của họ, nhiều người đã được thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, một số người đã được hưởng chính sách miễn, giảm (như trẻ em dưới sáu tuổi, người cao tuổi, người thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng và là công chức, viên chức…). Do đó, đề nghị Quốc hội cho được hưởng chế độ này theo tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất với Luật Bảo hiểm y tế và khả thi, UBTVQH đã tách nội dung này thành một khoản riêng và giao Chính phủ quy định.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()