Thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Với 93,36% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Đối tượng áp dụng của luật gồm: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của luật gồm: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế; Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật gồm: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật. Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này. Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài. Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
Luật quy định các nội dung quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Xúc tiến mở rộng, ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Ý kiến ()