Thông qua Luật Ðấu thầu
Ngày 26-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 29. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Ðấu thầu (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ngày 26-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 29. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Ðấu thầu (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Cần nhìn nhận nghiêm túc hôn nhân cùng giới tính
Thảo luận về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm điều chỉnh một số quy định phù hợp thực tế đời sống và thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Thảo luận về độ tuổi kết hôn, nhiều ý kiến cho rằng, dự án luật quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được quyền kết hôn là phù hợp thực tế, bảo đảm các quyền của công dân và thống nhất các quy định của pháp luật hiện hành.
Một vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù dự án luật không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng vấn đề này cần được nhìn nhận nghiêm túc và có bước đi phù hợp. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận hôn nhân cùng giới tính và có biện pháp điều chỉnh các mối quan hệ phù hợp. Các đại biểu Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần có lộ trình để công nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Ðề cập vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định trong dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết và phù hợp thực tế đang diễn ra hiện nay, nhưng cần quy định cụ thể tránh phát sinh những tiêu cực mang tính thương mại trong việc mang thai hộ. Ðại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, mang thai hộ là giải pháp mang tính nhân văn và thực tế đang diễn ra. Do vậy, cần có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn để điều chỉnh quan hệ xã hội trong vấn đề này.
Góp ý kiến vào các nội dung quy định về vấn đề ly thân, các đại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Ðịnh) cho rằng, bản chất của ly thân nhằm mục đích tạo khoảng thời gian để hàn gắn mối quan hệ vợ chồng chứ không phải là bước đệm để tiến tới ly hôn. Do vậy, dự án Luật không nên quy định việc phân chia tài sản, xác định quyền nuôi con trong giai đoạn ly thân, dễ gây tâm lý không tốt cho vợ chồng và con. Một số ý kiến khác cho rằng, không nên đưa quy định liên quan đến ly thân vào luật, vì rất khó thực hiện trên thực tế.
Trước đó, với 440 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,35% tổng số đại biểu, QH đã thông qua Luật Ðấu thầu (sửa đổi).
Còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức và mức hưởng bảo hiểm y tế
Mở đầu phiên họp buổi chiều, QH đã tiến hành thông qua Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật này. Theo đó, Báo cáo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu QH và chỉnh lý vào dự thảo; đồng thời cũng giải trình về nhiều vấn đề các đại biểu QH nêu lên và đề nghị cho được giữ nguyên như dự thảo, sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này có năm chương, 80 điều.
Với đa số phiếu tán thành, QH đã lần lượt thông qua
Ðiều 1 – Phạm vi điều chỉnh Ðiều 5 – Công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ðiều 7 – Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở đó, với 432 đại biểu tán thành, bằng 86,75% tổng số đại biểu, QH đã thông qua Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung dự thảo và tập trung thảo luận các vấn đề như: hình thức BHYT, mức hưởng BHYT, việc sử dụng quỹ kết dư BHYT, đối tượng tham gia BHYT. Tuy nhiên, chung quanh các vấn đề này còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, khoản 1, Ðiều 2 quy định: “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”, là khó khả thi trong thực tế (Nguyễn Thị Bích Nhiệm – Yên Bái, Trần Quốc Tuấn – Trà Vinh, Nguyễn Thúy Hoàn – Thái Bình…). Một số ý kiến khác tán thành quy định trong dự thảo Luật, nhưng cho rằng, trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn, do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Có ý kiến cho rằng, khám, chữa bệnh BHYT được ưu tiên dịch vụ tốt như khám theo yêu cầu hiện nay thì người dân sẽ tham gia.
Về mức đóng BHYT, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) không đồng ý quan điểm: Người nghèo không đóng BHYT mà đối tượng này cần chia sẻ và cũng đóng góp một phần. Ðại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại đề nghị đối tượng chính sách được hưởng từ 85% lên 95%, người nghèo từ 95% lên 100%. Các ý kiến phát biểu cũng đề cập nhiều về vấn đề sử dụng Quỹ kết dư BHYT. Ðại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, tính chất cơ bản của BHYT là chia sẻ rủi ro trong cộng đồng, quỹ BHYT là quỹ được quản lý tập trung thống nhất, công khai, minh bạch và có sự quản lý thống nhất trong hệ thống tổ chức BHYT, cho nên quỹ BHYT cần được nhìn nhận tổng quan trên bình diện toàn quốc mà không chỉ giới hạn ở các địa phương. Trường hợp quỹ có kết dư lớn thì nên lựa chọn giải pháp là mở rộng quyền lợi hoặc giảm mức đóng góp cho người tham gia BHYT, trích quỹ đầu tư tăng trưởng, dự phòng để chi tiêu cho các năm sau và để điều tiết trong phạm vi toàn quốc, không nên chuyển chi vào mục đích khác. Vì vậy, đề nghị không trích phần kết dư cho các địa phương sử dụng.
Ngược lại ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị cần quy định trích phần trăm quỹ kết dư về T.Ư và quy định tỉnh nào có quỹ BHYT kết dư thì được sử dụng ở địa phương. Ðại biểu Nguyễn Minh Phương lại đề nghị sử dụng quỹ này phục vụ cho đồng bào miền núi phía bắc và vùng Tây Nguyên.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, trình QH xem xét vào kỳ họp sau.
“Tôi tán thành với việc bổ sung quy định mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) của người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, từ 95% lên 100% và nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 90% để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bởi vì các đối tượng này không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong tổ chức thực hiện và để bảo đảm tính nhân đạo của Nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe bằng BHYT đối với mọi người dân.
Ðể tạo thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe, tránh ảnh hưởng tâm lý của người tham gia BHYT, tôi đề nghị cần cân nhắc quy định thời gian có giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế ngắn hạn”.
Ðại biểu MÃ ÐIỀN CƯ
(Quảng Ngãi)
“Hiện nay, rác thải dưới hình thức phế liệu được nhập vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp, ngày một gia tăng bằng nhiều con đường dưới các hình thức và thủ đoạn khác nhau, như: nhập khẩu chất thải dưới dạng phế liệu, núp dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất. Ước tính mỗi năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu được nhập khẩu vào nước ta. Từ thực tế đó, tôi đề nghị cần có những quy định nghiêm ngặt về việc nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là tạm nhập tái xuất; quy trách nhiệm rõ hơn đối với các cơ quan quản lý nhập khẩu phế liệu, cần quản lý chặt chẽ chất thải trong nhập khẩu phế liệu, tăng mức hình phạt đối với các trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng để các doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm với việc nhập khẩu phế liệu không bảo đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường mà không chịu tái xuất”.
Ðại biểu ÐỖ NGỌC NIỄN
(Bình Thuận)
“Ðối với vấn đề bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước là nội dung quan trọng hàng đầu cần được quy định chặt chẽ và phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan thật rõ ràng, để việc áp dụng được hiệu quả. Chúng ta đã biết trong thời gian qua có rất nhiều sai phạm về môi trường, như: xả chất thải vào môi trường, chôn hóa chất, khai thác quá mức tài nguyên rừng… Những cá nhân, đơn vị có hành vi này có biết làm sai quy định hay không? Có biết sẽ bị phạt khi phát hiện không? Tôi tin là họ biết, biết rất rõ, nhưng họ cũng rất biết vấn đề quản lý, kiểm tra giám sát xử phạt chưa chặt chẽ, chưa đủ nặng, chưa đủ sức răn đe, cho nên họ vẫn thực hiện”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()