Thống nhất trong điều phối các chương trình giảm nghèo
Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 20/4, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng để khắc phục tình trạng chồng chéo trong các chương trình giảm nghèo, cần tập trung vào một đầu mối điều hành, thống nhất.
Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 20/4, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng để khắc phục tình trạng chồng chéo trong các chương trình giảm nghèo, cần tập trung vào một đầu mối điều hành, thống nhất. Một trong những câu hỏi được chuyển đến Bộ trưởng Giàng Seo Phử là thực tế tại nhiều xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn hiện có hàng chục chương trình hỗ trợ trên cùng một lĩnh vực, dẫn đến tình trạng triển khai chồng chéo. Ngay cả các cán bộ dù được tập huấn nhưng cũng cảm thấy khó khăn trong việc triển khai chương trình, hiệu quả không cao. Đơn cử, trên cùng một địa bàn có nhiều chương trình hỗ trợ thủy lợi khác nhau, dẫn đến việc mỗi chương trình lại xây một công trình thủy lợi, hết sức manh mún, không hiệu quả. Trong khi nếu các chương trình đó lồng ghép vào một dự án thủy lợi chung thì hệ thống thủy lợi sẽ được xây dựng kiên cố hơn, đem lại hiệu quả cao hơn. Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, tại các xã đặc biệt khó khăn cũng có tình trạng nhiều chương trình tập trung hỗ trợ một lĩnh vực trong khi những lĩnh vực khác lại rất ít được quan tâm. Nhưng quan trọng hơn đó là vấn đề điều hành, quản lý chương trình. Ủy ban Dân tộc cũng đã báo cáo Thủ tướng, các bộ ngành cũng biết những việc này. Việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo nên được lồng ghép và tập trung vào một đầu mối, mà tốt nhất là phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chia sẻ về thực tế việc dạy nghề cho đồng bào dân tộc chưa mang lại hiệu quả, do người dân không kiếm được việc làm tại địa phương, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng nguyên nhân lớn nhất là chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tại vùng khó khăn. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp lên vùng sâu, vùng xa để tổ chức sản xuất, kinh doanh phối hợp với nông dân sử dụng nguồn lực tại chỗ, đất đai tại chỗ để sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, cần có chương trình đào tạo dành riêng cho đồng bào dân tộc và người dân tộc thiểu số. Thông tin cụ thể về hoạt động hỗ trợ lương thực cho học sinh bán trú vùng dân tộc, miền núi, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết thời điểm hiện tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đang vào mùa giáp hạt nên nhiều em học sinh học bán trú phải rời trường học về giúp đỡ gia đình, ảnh hưởng đến niên độ của năm học. “Trong điều kiện đất nước ta có đầy đủ lương thực, và chúng ta chỉ cần tiết kiệm được một chút thôi thì đã đầy đủ lương thực cho các cháu. Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Ủy ban dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ lương thực cho các cháu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất có thêm người cấp dưỡng để các em có được bữa ăn no, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nói.
|
Dangcongsan
Ý kiến ()