Thống nhất sử dụng cách tính chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước
Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dùng để phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, mà ít có ý nghĩa đối với cấp tỉnh, huyện, xã. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, có sự chênh lệch giữa tốc độ tăng GDP của quốc gia chỉ khoảng 5-6%, trong khi địa phương nào tốc độ tăng GDP cũng từ 8% trở lên, thậm chí 14%.
Chênh lệch khá lớn giữa GDP cả nước và địa phương
Ngày 25-12-1992, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 183/TTg về việc chính thức áp dụng Hệ thống các tài khoản Quốc gia (System of National Accounts-SNA). Điều 1 của Quyết định nêu rõ “Bắt đầu từ năm 1993, áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia trên phạm vi cả nước, thay cho hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dân và các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp tương ứng”. Theo đó, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được tính toán thay cho chỉ tiêu “Thu nhập quốc dân”. Quyết định trên đã chỉ rõ hệ thống tài khoản quốc gia nói chung và chỉ tiêu GDP nói riêng chỉ áp dụng cho phạm vi cả nước.
Chỉ tiêu GDP là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, ngay tên gọi cũng cho thấy đây là một chỉ tiêu ở tầm quốc gia, và phương pháp luận chỉ phù hợp tính cho toàn bộ nền kinh tế. Trong cuốn SNA chính thức xuất bản bởi LHQ không đề cập đến tính GDP cấp tỉnh, vì thế phần lớn các nước chỉ tính GDP cho phạm vi cả nước, chỉ có một số nước tính cho phạm vi cấp tỉnh hoặc vùng như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Ca-na-đa,… Trong SNA thì nguyên tắc thường trú và không thường trú là một nguyên tắc quan trọng để xác định phạm vi tính toán chỉ tiêu GDP. Khái niệm thường trú không dựa trên cơ sở quốc tịch hay tiêu chuẩn pháp lý của quốc gia mà dựa vào trung tâm lợi ích kinh tế và mức độ thời gian hoạt động trên lãnh thổ quốc gia đó. Về ý nghĩa, chỉ tiêu GDP được dùng để phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, mà ít có ý nghĩa đối với cấp tỉnh, huyện, xã.
Ở Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của T.Ư, của Đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh, Tổng cục Thống kê đã chỉ đạo tập trung, thống nhất các Cục Thống kê tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (GRDP). Về khái niệm, nội dung, nguồn số liệu và phương pháp tính ở cả T.Ư và địa phương đều thống nhất theo quy định của Hệ thống tài khoản quốc gia. Tuy vậy, sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta rất nhanh trong thập kỷ qua và các doanh nghiệp cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ (nhất là từ khi có Luật Doanh nghiệp). Các doanh nghiệp hoạt động năng động và luôn luôn có xu hướng mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa phương nhưng lại hoạt động ở nhiều địa phương khác. Điều đó dẫn đến trường hợp các tỉnh, thành phố tính trùng. Thực tế này cùng với những khó khăn trong việc thu thập thông tin của các đơn vị hạch toán toàn ngành, thu thập thông tin về thuế nhập khẩu chia theo tỉnh, thành phố… không cho phép tính GDP của tỉnh, thành phố một cách chính xác (hầu hết các nước tổ chức tính GDP cấp tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng chênh lệch số liệu ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố).
Thay thế chỉ tiêu “GDP” cấp huyện, xã
Do chưa hiểu rõ bản chất và phạm vi tính toán của chỉ tiêu GDP, cho nên nhiều cấp huyện, cấp xã cũng xuất hiện chỉ tiêu này trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện, xã. Theo đó, lãnh đạo cấp huyện, xã hằng năm, thậm chí quý và 6 tháng đã yêu cầu bộ phận chức năng tính toán chỉ tiêu GDP. Trong khi nguồn thông tin đầu vào theo đơn vị thường trú và các công cụ (chi phí trung gian, giá và chỉ số giá…) của cấp tỉnh trở xuống không thể đáp ứng được việc tính toán chỉ tiêu GDP. Có ý nghĩa gì khi tốc độ tăng GDP của quốc gia chỉ khoảng 5-6%, trong khi địa phương nào tốc độ tăng GDP cũng từ 8% trở lên, thậm chí 14%. Vậy chỉ tiêu nào để thay cho chỉ tiêu “GDP” cấp huyện, xã khi đánh giá về tình hình phát triển kinh tế của huyện, xã? Đó là tổng giá trị sản xuất của một số ngành sản xuất chủ yếu, thường thì bao gồm các ngành sản xuất ra sản phẩm vật chất (có thể cả thương mại, vận tải); sản lượng sản phẩm chủ yếu sản xuất ra của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp…
Từ khi áp dụng SNA, nhiều nhà hoạch định chính sách coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá tăng trưởng của quốc gia, cấp tỉnh trong khi những chỉ tiêu khác quan trọng và thực chất hơn nhiều thường không được đề cập tới hoặc đề cập một cách chưa thỏa đáng.
Ở Việt Nam, từ khi có Quyết định số 183/TTg năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng SNA thì hệ thống tổ chức thông tin phục vụ việc tính toán GDP còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng cho việc biên soạn chỉ tiêu GDP. Vì vậy, về lâu dài Tổng cục Thống kê cần cải tiến lại cách thức tổ chức biên soạn chỉ tiêu GDP cho phù hợp với phương pháp luận của Thống kê Liên hợp quốc và thực tế nguồn thông tin trong nước. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đang chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng Đề án chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GRDP của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Theo đó, từ năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ chủ trì và trực tiếp cùng phối hợp với các Cục Thống kê tính toán số liệu GRDP và thông báo cho các địa phương thống nhất sử dụng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()