Thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh
- Ngày 29/5, tại trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và đồng chí Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đồng chủ trì buổi làm việc về thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đoạn qua tỉnh Lạng Sơn.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành của hai tỉnh và lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã tập trung cho ý kiến, thảo luận, quyết định đối với các nội dung đang vướng mắc cần thống nhất phương án giải quyết để dự án được triển khai theo đúng quy định.
Cụ thể: hai tỉnh thống nhất phương án giải quyết đối với vấn đề tăng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Lạng Sơn, do cơ chế, chính sách đã có thay đổi và thống nhất sử dụng nguồn vốn dự phòng của dự án để chi trả chi phí bồi thường tăng so với dự toán ban đầu.
Cùng đó, các sở, ngành chức năng của 2 địa phương sẽ tổ chức họp trao đổi để có phương án về giá bồi thường đất giáp ranh giữa hai tỉnh phù hợp, không để phát sinh khiếu nại trong quá trình thực hiện dự án.
Liên quan đến các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, mỏ đất đắp phục vụ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn chủ trì làm việc với hai huyện Tràng Định và Văn Lãng thực hiện rà soát, đề xuất cách thức giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu.
Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn; Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn rà soát hoàn thiện hồ sơ trình trung ương về bổ sung chỉ tiêu đất giao thông còn thiếu, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng công trình trước ngày 5/6/2024. Sở Xây dựng Lạng Sơn đẩy nhanh thẩm định tiểu dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Tràng Định và Văn Lãng; phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn hai huyện hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường của tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Về trình tự thủ tục chuyển kinh phí, tiếp nhận kinh phí của tỉnh Cao Bằng hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn phục vụ tiểu dự án giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND tỉnh thông qua về phương án phân bổ, sử dụng theo quy định hiện hành.
Cùng đó, lãnh đạo hai địa phương cũng thống nhất xây dựng, ban hành quy chế phối hợp để tổ chức triển khai dự án trên địa bàn hai tỉnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu: Sở Xây dựng Lạng Sơn, cơ quan thẩm định tiểu dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phối hợp với hai huyện lưu ý bổ sung các khoản chi phí về chuyển mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế, chuyển mục đích sử dụng đất lúa…vào hồ sơ tiểu dự án giải phóng mặt bằng trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Các sở, ngành có liên quan của tỉnh Lạng Sơn và UBND hai huyện Tràng Định và Văn Lãng khẩn trương triển khai các công việc đã được thống nhất tại buổi làm việc để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các sở, ngành, UBND hai huyện tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Cao Bằng để triển khai các công việc đã được thống nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Về phía UBND tỉnh Cao Bằng, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí cao với các nội dung, phương án tháo gỡ vướng mắc. Đồng chí yêu cầu: Sau cuộc làm việc, các sở, ngành của tỉnh Cao Bằng theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND huyện Tràng Định, Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện các thủ tục liên quan đến dự án cũng như hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp để cùng với tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) có 3 tiểu dự án giải phóng mặt bằng gồm: tiểu dự án giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Cao Bằng qua huyện Quảng Hòa và huyện Thạch An có chiều dài 41,55 km; tiểu dự án giải phóng mặt bằng huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn có chiều dài 25 km; tiểu dự án giải phóng mặt bằng huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn có chiều dài hơn 26km. Tính đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Cao Bằng đã vận động người dân bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp thực hiện dự án đạt gần 90% diện tích. Tại tỉnh Lạng Sơn đã vận động người dân bàn giao mặt bằng đạt khoảng 7% diện tích cần thu hồi. Theo kế hoạch dự án hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2026. |
Ý kiến ()