Thống nhất nhận thức và hành động trong học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, khóa XI
Chiều 4-7, Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XI) bế mạc sau hai ngày làm việc. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì và kết luận hội nghị.
Chiều 4-7, Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XI) bế mạc sau hai ngày làm việc. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì và kết luận hội nghị.
Bước sang ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã tiếp tục nghe các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Dân vận T.Ư, Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo T.Ư quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết T.Ư 7 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Báo cáo về việc tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) tại địa phương, cơ sở.
Phát biểu ý kiến kết luận, chỉ đạo hội nghị, đồng chí Ðinh Thế Huynh nêu rõ: Về Nghị quyết tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới cần được quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận, về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Ðảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương của Ðảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Ðặc biệt phải kiên trì thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các hội quần chúng.
Ðối với Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh, trước hết cần nâng cao nhận thức trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị về nhiệm vụ này. Coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, còn tiếp tục diễn biến phức tạp, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, chủ động nghiên cứu, dự báo và có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp; không cường điệu thái quá nhưng cũng không được xem thường, chủ quan. Tài nguyên cần được đánh giá một cách khoa học, chính xác, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Cần nhận rõ bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững. Ở tầm vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nghĩa là phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Về Kết luận một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở, đồng chí Ðinh Thế Huynh khẳng định: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong điều kiện một Ðảng cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế là một việc khó, quan trọng và phức tạp. Cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở, xây dựng bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất tư tưởng chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống lành mạnh; trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ có tính chuyên nghiệp. Ðổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải phù hợp, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng.
Hội nghị lần thứ 7 (khóa XI) đã khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Kết luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do đó, đồng chí Ðinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu chú ý tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân để thể hiện được nội dung đó trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội thông qua.
Về Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, đồng chí Ðinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu cần quán triệt tinh thần của T.Ư là: Tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã xác định trong Nghị quyết T.Ư 7 (khóa VIII) và các kết luận Hội nghị T.Ư 8 (khóa IX), Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) và Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI). Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong Ðảng, trong xã hội và có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp kinh tế thị trường.
Ðồng chí Ðinh Thế Huynh đề nghị, sau hội nghị này, các đại biểu khi trở về đơn vị, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt đầy đủ và sâu sắc các Nghị quyết, các kết luận của Hội nghị T.Ư 7 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng hình thức đa dạng, phù hợp để tạo được sự thống nhất cao trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội; đoàn kết nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị T.Ư 7; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()