Thống nhất chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước
Để có cơ sở tham mưu với Ban Bí thư xây dựng, ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngày 9-9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức T.Ư chủ trì phối hợp Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức Hội thảo tham gia góp ý kiến vào dự thảo quy định này. Chủ trì Hội thảo, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư; đồng chí Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư. Nội dung, phương thức lãnh đạo phải phù hợp.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn do đồng chí Nguyễn Thanh Bình trình bày, nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng; từng bước sắp xếp tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng cấp trên cơ sở trong các DNNN và DN có vốn nhà nước chi phối, phải đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa mô hình tổ chức DN với đổi mới, hoàn thiện nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chuẩn bị cho Hội thảo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát tại chín đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của các đảng ủy; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy do tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành,… Cơ bản thống nhất cao với dự thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, gợi mở nhiều vấn đề thiết thực, nhằm góp phần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong DNNN. Thực tế hiện nay là, mô hình tổ chức đảng trong các DNNN rất đa dạng, cho nên nhiều tham luận đề xuất, kiến nghị, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng phù hợp mô hình hoạt động của các DNNN. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, có 28 tổng công ty có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ TP Hà Nội. Từ kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác đảng, đồng chí đề nghị bổ sung một số nội dung lãnh đạo của đảng ủy cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng trong các DN sau cổ phần hóa Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, nhất là nội dung lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác tổ chức, cán bộ. Cần cụ thể hóa nội dung của hai nhiệm vụ là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ, vì các nhiệm vụ này mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo DN.
Từ thực tiễn sinh động của TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng ủy cấp trên cơ sở với tổ chức đảng trực thuộc, nhất là với tổ chức đảng trong DN mà vốn nhà nước không chi phối. Đảng ủy cấp trên cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng trong DN có vốn nhà nước không chi phối chỉ kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra doanh nghiệp chấp hành quy định của luật về chính sách người lao động. Đồng chí đề nghị cần rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn; cần có quy định Đảng lãnh đạo đoàn thể, tham gia góp ý kiến vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh như thế nào; quan tâm nghiên cứu chỉ đạo về bộ máy Đảng ủy trong DN cổ phần hoá, nhất là DN có vốn nhà nước không chi phối.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank, là đơn vị áp dụng mô hình tổ chức đảng chưa toàn ngành, Đảng ủy VietinBank không lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống, vì vậy việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng ủy có những bất cập. Công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên ở các đơn vị trong hệ thống bị hạn chế bởi công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện theo hướng dẫn của cấp ủy địa phương, chưa có sự gắn kết với quy chế đánh giá cán bộ của VietinBank.
Đồng chí Trần Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu thực tế: Đảng bộ tổng công ty có 114 tổ chức cơ sở đảng, 1.038 chi bộ, trong đó có các tổ chức đảng thuộc doanh nghiệp nhà nước, hoặc công ty cổ phần có vốn sở hữu nhà nước dưới 50%, hoặc đã thoái hết vốn nhà nước. Hoạt động của doanh nghiệp cổ phần phát sinh nhiều yếu tố bất cập, dẫn đến vai trò của tổ chức đảng dần dần bị hạn chế, nhất là ở những nơi Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp bị chi phối bởi cổ đông lớn, không còn chủ động trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa làm ăn thua lỗ, lãnh đạo doanh nghiệp, cấp ủy biến động, không phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về việc lập các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ toàn tập đoàn, toàn tổng công ty; hướng dẫn việc lập mô hình tổ chức đảng tại cơ quan Công ty mẹ Tập đoàn (bao gồm bộ máy điều hành, bộ máy tham mưu giúp việc của Tập đoàn) trực thuộc Đảng bộ toàn Tập đoàn. Vì trong thực tế, tập đoàn kinh tế là một nhóm doanh nghiệp (gồm Công ty mẹ Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên) và việc điều hành tập đoàn kinh tế thực hiện thông qua Công ty mẹ Tập đoàn, hoạt động bằng pháp lý của Công ty mẹ Tập đoàn. Đại diện Đảng ủy đề nghị cần xác định rõ đối tượng và phân biệt giữa đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng. Tại Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì Đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng còn được giao một số quyền cấp trên cơ sở. Thực tiễn hiện nay, trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối chịu sự điều chỉnh theo các văn bản quy phạm pháp luật. Vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác cán bộ được quy định thuần túy chỉ là cấp cho ý kiến (đồng ý hoặc không đồng ý) về công tác cán bộ ở tất cả các khâu theo đề nghị của HĐTV và Tổng giám đốc doanh nghiệp. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ cần cụ thể hơn. Cần nêu rõ: Cấp ủy lãnh đạo cụ thể những gì? Lãnh đạo như thế nào? Thẩm quyền được quyết định những gì, quyết định những khâu nào trong công tác cán bộ? Xây dựng quy chế, quy định gồm những gì? Đề nghị bổ sung thẩm quyền của ban thường vụ cấp ủy trong việc quyết định định biên cán bộ chuyên trách của các đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy đồng bộ hơn Phần lớn đại biểu nhất trí cao với dự thảo; đề xuất nên xác định rõ tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước theo mô hình toàn tập đoàn hay mô hình không toàn tập đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hoạt động của ngành ngân hàng có những đặc thù riêng, trong khi đó tại địa phương, đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố chỉ đạo chưa sát với nhiệm vụ chính trị của ngân hàng. Đảng bộ VietinBank mong muốn được kiện toàn theo mô hình đảng bộ toàn ngành để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, thống nhất xuyên suốt toàn hệ thống, thực hiện đúng chủ trương nhất thể hóa sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Trung ương nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế, tránh tình trạng đảng bộ doanh nghiệp thành viên có cùng cấp bộ đảng với đảng bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nên ưu tiên xác lập đảng bộ toàn doanh nghiệp vì có nhiều ưu điểm hơn, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ.
Theo tham luận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công tác cán bộ của Đảng ủy Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên chưa toàn diện và đồng đều. Hiện nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn quản lý cán bộ đến thủ trưởng các đơn vị cấp III, tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ hằng năm (đối với cán bộ của các đơn vị sinh hoạt đảng tại địa phương) chưa đầy đủ thông tin, do chưa có quy định báo cáo thường xuyên. Quy chế làm việc của Đảng ủy Tập đoàn cũng chưa có quy định về mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy Tập đoàn với cấp ủy các đơn vị sinh hoạt đảng tại địa phương. Tuy mô hình tổ chức đảng chưa đồng bộ, song Đảng ủy Tập đoàn vẫn giữ được vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển Tập đoàn. Vì vậy, Đảng ủy đề nghị tiếp tục mô hình Đảng bộ công ty mẹ mở rộng.
Về tổ chức bộ máy, đồng chí Phạm Xuân Cảnh nêu ý kiến, nên quy định một phó bí thư phụ trách xây dựng Đảng, có thể bố trí kiêm lãnh đạo doanh nghiệp, để có sự lãnh đạo gắn kết, sâu sát hơn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mà không nên quy định phó bí thư chuyên trách. Một số đại biểu cho rằng, cần quy định rõ việc lập cơ quan chuyên trách, các ban chuyên trách và định biên cán bộ chuyên trách cho từng ban chuyên trách xây dựng Đảng. Số lượng cán bộ chuyên trách cần phân theo quy mô đảng bộ, vị trí doanh nghiệp: Tập đoàn kinh tế khác tổng công ty và khác các ngân hàng thương mại; đảng bộ toàn tập đoàn khác các đảng bộ công ty mẹ hoặc đảng bộ cơ quan. Cán bộ tại các ban chuyên trách không nên quy định tăng cường bố trí kiêm nhiệm – nếu có thì chỉ nên kiêm nhiệm trong phạm vi cơ quan chuyên trách, giữa các ban chuyên trách; tránh trường hợp quy định “tăng cường bố trí kiêm nhiệm công tác đảng” thì lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không bố trí đủ số lượng định biên cần thiết và trong thực tế ở doanh nghiệp, cán bộ tham mưu trực tiếp bố trí kiêm nhiệm hiệu quả không cao.
Đồng chí Nguyễn Kim Anh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị cần cập nhật chủ trương, chính sách mới để xây dựng quy định phù hợp. Thí dụ, nếu chỉ quy định mô hình tổ chức đảng trong ngân hàng thương mại thì chưa đủ. Nhiều ngân hàng nhà nước hiện là ngân hàng cổ phần nhà nước chi phối, hay ngân hàng chính sách là tổ chức tài chính có chức năng tín dụng.
Từ thực tế tại Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, đồng chí Hoàng Đức Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy cho biết, hiện nay, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư có Ban Dân vận, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng ủy Khối triển khai xuống các đảng ủy trực thuộc, nhưng chưa quy định thuộc ban tham mưu, giúp việc nào của cấp ủy cấp trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, cần quy định nhiệm vụ công tác dân vận thuộc ban nào trong các ban tham mưu, giúp việc cấp ủy và nên đưa vào quy định này. Còn đồng chí Trần Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu ý kiến, khi quy định về mô hình tổ chức đảng cấp trên cơ sở trong DNNN cần xem xét việc sắp xếp các tổ chức đoàn thể chính trị cho phù hợp, tránh tình trạng như hiện nay là tổ chức đảng trực thuộc nơi này; công đoàn, đoàn thanh niên trực thuộc nơi khác. Đối với quy định về số lượng cán bộ chuyên trách công tác đảng, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để quyết định phù hợp. Cần tính đến chế độ chính sách, nguồn chi trả để không ảnh hưởng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác đảng.
Mối quan hệ giữa đảng ủy với lãnh đạo doanh nghiệp và cấp ủy địa phương Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp, cần xây dựng mối quan hệ công tác giữa đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước với: Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp; cấp ủy địa phương nơi doanh nghiệp có đơn vị thành viên đóng trên địa bàn. Các đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, tương đối nhất, có thể chia thành các nhóm nội dung là: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành kiến nghị, Trung ương cần quy định cơ chế phối hợp giữa đảng ủy tổng công ty, tập đoàn với tỉnh ủy, thành ủy. Thực tế, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt đóng ở các tỉnh, thành phố và trải dài qua hơn 200 huyện. Nếu Đảng ủy đường sắt phối hợp cấp ủy huyện sẽ rất khó khăn và không thể; còn trong mối quan hệ với tỉnh ủy thì Đảng ủy đường sắt chỉ tương đương cấp huyện, khó gọi là phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí nêu một thực tế: Tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo đảng ủy của doanh nghiệp là thành viên tổng công ty, tập đoàn đóng trên địa bàn chủ yếu là công tác đảng vụ. Chuyên môn thì tập đoàn, tổng công ty quản lý theo ngành dọc. Vậy việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thế nào? Tập đoàn, tổng công ty báo cáo tình hình hoạt động trên địa bàn và đề xuất, kiến nghị giải quyết công việc liên quan thì tỉnh ủy, thành ủy xử lý ra sao ? Nhất là khi xem xét công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, có yêu cầu cấp ủy địa phương chủ động trao đổi, đề xuất, nhưng tỉnh ủy, thành ủy không biết rõ về cán bộ của tập đoàn, tổng công ty thì rất khó để quyết định, đề xuất. Và nếu cán bộ sau bổ nhiệm có vấn đề gì thì tỉnh ủy, thành ủy vẫn có phần trách nhiệm. Vì thế phải quy định cơ chế về mối quan hệ thật cụ thể, nếu chung chung thì trên thực tế sẽ không thực hiện được.
Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị cần quy định thật rõ mối quan hệ giữa đảng ủy trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty, cụ thể là với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc. Đồng thời kiến nghị quy định về mối quan hệ phải được cân nhắc, đối chiếu với Luật Doanh nghiệp, xem có cản trở doanh nghiệp phát triển hay không? Bởi vì tiến trình cổ phần hóa tới đây sẽ rất nhanh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Đồng chí Hoàng Đức Sơn đề nghị Trung ương quy định rõ hơn việc phối hợp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ; quy định các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty phối hợp cấp ủy nào ở địa phương. Để việc phối hợp giữa các đảng ủy tập đoàn kinh tế với cấp ủy địa phương có hiệu quả cao, đề nghị Trung ương quy định cụ thể hơn như, phối hợp bằng việc ban hành các nghị quyết, quyết định, quy định về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng.
Về mối quan hệ của đảng ủy với các tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung đề nghị, bí thư cấp ủy phải là người giữ vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp thì mới thực hiện tốt được nhiệm vụ, phát huy vai trò của tổ chức đảng. Đồng quan điểm này, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phạm Xuân Cảnh đề nghị, bí thư cấp ủy nên là chủ tịch, tổng giám đốc.
Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở đảng trong các DNNN và DN có vốn nhà nước chi phối do Ban Bí thư ban hành là văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước và có quan hệ trực tiếp đến nhiều cấp, nhiều ngành. Quá trình nghiên cứu thực tiễn, chuẩn bị hội thảo công phu sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị, là cơ sở để Ban Tổ chức T.Ư xây dựng, tham mưu với Ban Bí thư ban hành một văn bản quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong DNNN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()