Thống nhất cách tính GDP cấp tỉnh
Cách tính GDP hiện nay của các tỉnh, thành không sát thực, không đúng, và so với quốc tế thì không giống ai cả. Cách tính này xuất phát từ thời kỳ kinh tế bao cấp kéo dài đến nay. Vấn đề này không thể kéo dài mãi khi đất nước đang đổi mới, hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, đồng thời, lưu ý các tỉnh, thành phối hợp với Tổng cục Thống kê tính lại chỉ số GDP của cấp tỉnh cho sát thực hơn, chính xác hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
![]() |
Các đại biểu nghe hướng dẫn phương pháp tính chỉ tiêu |
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Tổng cục Thống kê biên soạn GDP cho toàn bộ nền kinh tế theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng cuối cùng, 5 năm một lần biên soạn theo phương pháp thu thập; các Cục Thống kê cấp tỉnh biên soạn chỉ tiêu GRDP theo phương pháp sản xuất.
Sau hơn 20 năm biên soạn, bên cạnh kết quả đạt được, quy trình biên soạn hiện nay còn bộc lộ hạn chế và bất cập cả về chất lượng số liệu, tính đồng bộ, thống nhất phương pháp thu thập nguồn thông tin đầu vào, cả về cách thức tổ chức thực hiện dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP cho toàn nền kinh tế và tổng cộng GRDP tính cho 63 tỉnh/thành phố. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
“Cách tính GDP của cả nước đã được các tổ chức thế giới công nhận. Tuy nhiên, cách tính GDP cấp tỉnh vẫn chưa sát, thiếu chính xác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành mà còn làm giảm niềm tin của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nói chung, số liệu GDP và GRDP nói riêng”, ông Lâm cho hay.
Nguyên nhân là do thông tin đầu vào để biên soạn số liệu GRDP còn nhiều hạn chế, bất cập; áp lực mục tiêu kinh tế – xã hội của các địa phương; công cụ tính GDP chưa được hoàn thiện và đồng bộ; việc tuyên truyền phổ biến, quán triệt thực hiện Luật Thống kê và các văn bản liên quan chưa đầy đủ và sâu sộng; hạn chế về năng lực chuyên môn của cán bộ thống kê…
Vấn đề đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng Đề án “Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trong nước”, theo đó, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính toán và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương thống nhất sử dụng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên soạn Đề án trên gồm lãnh đạo, thành viên của nhiều Bộ, ngành. Theo kế hoạch, hiện nay các Bộ, ngành đang tích cực xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trong nước”, sau đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý, thẩm định Đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2014 này.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Khi Đề án trên được thông qua, từ năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các tỉnh. Tuy nhiên, trước mắt để đảm bảo tính kịp thời, tính liên tục của số liệu thống kê, trong năm 2016 – 2017, Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các tỉnh đồng thời cùng biên soạn số liệu GRDP, từ năm 2018 trở đi các Cục Thống kê cấp tỉnh sẽ không trực tiếp biên soạn GRDP.
Về chỉ tiêu GRDP có 3 số liệu là ước tính, sơ bộ và chính thức. Cách tính là giá so sánh với năm 2010, chứ không phải năm 1994 như một số tỉnh đang áp dụng. Số liệu ước tính và sơ bộ chỉ tiêu GRDP do Cục Thống kê cấp tỉnh biên soạn và gửi Tổng cục Thống kê thẩm định. Tổng cục Thống kê sẽ tính GRDP cho các tỉnh, thành phố (6 tháng và cả năm) và công bố số liệu GRDP sau 15 ngày kết thúc 6 tháng và cả năm.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GDP là phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đó là với những nước tính GRDP đều do cơ quan Thống kê Trung ương tính toán và công bố, và cũng đáp ứng yêu cầu so sánh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, so sánh quốc gia và quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()