Thống nhất cách tính đơn giá nhân công xây dựng đầu vào
Hiện nay, doanh nghiệp (DN) tại một số địa phương, như: Đà Nẵng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn gặp vướng mắc trong cách tính đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20-3-2015 của Bộ Xây dựng (Thông tư 01). Các DN này thậm chí cho rằng Thông tư 01 gây khó khăn cho DN và thiệt hại cho người lao động. Vậy thực tế những thắc mắc này có đúng hay không?
Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Mức lương nhân công công bố tại Phụ lục của Thông tư 01 là cơ sở để xác định đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình (được hiểu là đơn giá nhân công xây dựng đầu vào) để cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (Nghị định 112). Theo đó, đơn giá nhân công xây dựng đầu vào bằng lương nhân công đầu vào tại Phụ lục 1 nhân với hệ số cấp bậc tại Phụ lục 2 của Thông tư này và chia cho 26 ngày làm việc trong tháng. Cụ thể, giá nhân công tính theo tháng của một công nhân xây dựng bậc 1/7 thuộc nhóm I (bậc thấp nhất trong thang lương) tại vùng I là: 2.350.000 x 1,55 = 3.642.500 đồng/tháng; vùng II là 3.332.500 đồng/tháng; vùng III là 3.100.000 đồng/tháng; vùng IV là 2.945.000 đồng/tháng. Trong khi đó, theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (Nghị định 103) tại vùng I là 3.100.000 đồng/tháng, vùng II là 2.750.000 đồng/tháng, vùng III là 2.400.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.100.000 đồng/tháng.
Vụ trưởng Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh cho rằng, giá nhân công tính theo tháng của công nhân xây dựng tại Thông tư 01 có bậc thấp nhất trong thang lương cũng đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định 103. Tương ứng, tại vùng I cao hơn 17,5%; vùng II cao hơn 20,9%; vùng III cao hơn 29,2%; vùng IV cao hơn 40,2%. Rõ ràng, không hề có việc khi áp dụng hướng dẫn tại Thông tư 01 thì giá nhân công tính theo tháng của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Có thể nói, các đơn vị trên đã hiểu chưa đúng về đối tượng áp dụng của Thông tư 01 cũng như đối tượng áp dụng của Nghị định 103. Đối tượng áp dụng của Thông tư 01 là chủ đầu tư, tư vấn, các cơ quan quản lý và các đối tượng có liên quan đến lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Mục đích việc ban hành Thông tư số 01 là để hướng dẫn cách xác định mức lương nhân công xây dựng đầu vào phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường theo quy định của Nghị định 112. Trong khi đó, đối tượng áp dụng của Nghị định 103 là các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân… (sử dụng lao động) thuê mướn lao động theo hợp đồng. Mục đích của Nghị định 103 là để các bên ký kết hợp đồng lao động xác định mức lương tối thiểu đầu ra, là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Bảo đảm tính đúng, tính đủ cho người lao động
Một số DN tại khu vực miền núi, khu vực khó khăn nêu ý kiến Thông tư 01 không xem xét đến phụ cấp khu vực, Vụ Kinh tế xây dựng cho biết, nguyên tắc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng được quy định tại Điều 3 Thông tư số 01 phải bảo đảm các nguyên tắc: phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc nhân công trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình; phù hợp mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của từng địa phương, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; phù hợp đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và một số khoản phải trả khác). Do đó, đơn giá nhân công xác định theo các nguyên tắc trên đã bảo đảm tính đúng, tính đủ giá nhân công thị trường theo quy định của Nghị định 112. Trong đó, đơn giá nhân công điều tra theo thị trường tại khu vực nơi xây dựng công trình đã bao hàm tất cả các loại phụ cấp cần thiết.
Mặt khác, trong Thông tư 01 cũng quy định rõ giá nhân công tính theo mức lương công bố trong Phụ lục của Thông tư này chỉ để tham khảo. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải có trách nhiệm căn cứ hướng dẫn của Thông tư này để tổ chức điều tra, khảo sát thị trường xây dựng, thị trường lao động tại địa phương mình, từ đó xác định và công bố đơn giá nhân công xây dựng để làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 43 địa phương căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 01, tiến hành xác định và công bố đơn giá nhân công xây dựng để áp dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sau khi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương có hiệu lực (từ ngày 1-7-2013) đồng nghĩa với việc Nghị định số 205/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Như vậy, những đơn vị xác định đơn giá nhân công xây dựng đầu vào bằng cách lấy mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ nhân với hệ số cấp bậc của Nghị định số 205/2004/NĐ-CP là sai quy định. Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 01, khẩn trương xây dựng và công bố đầy đủ đơn giá nhân công xây dựng để làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, DN thực hiện thống nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()