“Thông” dòng vốn đầu tư dự án PPP giao thông
Tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp ngành giao thông vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế” diễn ra mới đây, đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã có những ý kiến tâm huyết về cơ chế, chính sách khơi thông dòng vốn đầu tư các dự án giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hóa giải những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, bền vững.
Giai đoạn trước đây, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP, nhưng thời gian qua, do vướng mắc về cơ sở pháp lý, các dự án gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. |
Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của các doanh nghiệp giao thông, diện mạo hạ tầng giao thông ngày càng phát triển. Nhiều công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại được đưa vào khai thác, góp phần quan trọng tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro
Tham luận tại tọa đàm dưới góc độ một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư xây lắp giao thông, điều làm cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng trăn trở là trong bối cảnh các doanh nghiệp/nhà thầu nội đang nỗ lực kết nối, hợp tác, học tập các mô hình tối ưu sản xuất; mạnh tay đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến, đón đầu xu thế để cống hiến, tham gia xây dựng, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đất nước thì đâu đó, vẫn còn những luồng thông tin bất lợi, thiếu khách quan, ảnh hưởng đến đà phát triển.
“Đơn cử, đối với Tập đoàn Đèo Cả, đâu đó vẫn còn có bình luận: “Đèo Cả ôm khối nợ khủng” hoặc “Tập đoàn Đèo Cả nợ 31 nghìn tỷ đồng, loạt công trình trọng điểm sẽ ra sao?”. Nhà đầu tư hạ tầng giao thông tham gia những dự án có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng, dư nợ ở các ngân hàng là hoàn toàn bình thường, chúng tôi vẫn hoàn thành đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng. Hiện tại, Đèo Cả vẫn vững tay chèo, lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm tối thượng, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, không ngừng đổi mới để cho ra những sản phẩm ngày càng tốt hơn”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Huy động, khơi thông nguồn vốn PPP, xã hội hóa vào đầu tư giao thông là điều cần thiết. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành Phạm Văn Khôi |
Là doanh nghiệp tham gia ba dự án BOT (đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành Phạm Văn Khôi bày tỏ quan điểm, huy động, khơi thông nguồn vốn PPP, xã hội hóa vào đầu tư giao thông là điều cần thiết. Giai đoạn trước, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP nhưng thời gian qua gặp khó trong huy động vốn, do vướng mắc về cơ sở pháp lý.
Mặc dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đưa ra tương đối đầy đủ nhưng khi thực hiện, các nhà đầu tư hoàn toàn “lép vế” so với cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự công bằng, đối đẳng. Thí dụ, tại các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều đã có quy định, nhưng thực tế chưa bao giờ thực hiện và muốn thực hiện phải xin qua nhiều cấp. “Nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng nhiều khi phía cơ quan quản lý nhà nước lại có cách quản lý như một nhà thầu. Dự án PPP cũng là tiền của Nhà nước, doanh nghiệp cần được nhiều quyền quản lý để dự án được triển khai nhanh hơn”, ông Khôi cho hay.
Đối với dự án đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, doanh nghiệp Phương Thành chỉ làm trong 24-33 tháng, trong khi nếu dự án theo phương thức đầu tư công thì không có dự án nào dưới 4-5 năm. Doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật thi công bảo đảm chất lượng, hiệu quả chung cho doanh nghiệp và xã hội.
Một khó khăn nữa trong hút vốn PPP được lãnh đạo Công ty Phương Thành nêu ra, ngoài tiềm lực nhà đầu tư bỏ ra 15-30% so với vốn chủ sở hữu, còn lại là vay từ 70 đến 85% ở các tổ chức tín dụng. “Tuy nhiên, ngân hàng thường rất “cảnh giác” với nhà đầu tư nên họ tính toán nguồn thu trả nợ mới cho vay. Do đó, cơ quan tư vấn, thiết kế cần chạy sát với phương án tài chính, thời gian thu phí chỉ nên dao động khoảng 15-20 năm, nếu thời gian thu hồi vốn quá dài thì ngân hàng cũng… vẫy tay chào”, ông Khôi nêu thực tế.
Sớm điều chỉnh bất cập
Trong giai đoạn 2011-2015, đã có nhiều dự án PPP triển khai thành công, trong đó Bộ Giao thông vận tải có 72 dự án, chủ yếu theo hình thức BOT, huy động xã hội hóa lên tới 252 nghìn tỷ đồng; mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, chỉ có bốn dự án thực hiện theo hình thức PPP với tổng giá trị đầu tư 26 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, chỉ có sáu dự án phê duyệt chủ trương theo phương thức PPP và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư.
Chia sẻ và cảm thông những băn khoăn, trăn trở của doanh nghiệp, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam Lê Kim Thành đánh giá, các dự án BOT giao thông thường có quy mô vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp xây lắp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Khi dự án không đủ doanh thu, các ngân hàng quan ngại dự án PPP đối diện rủi ro, sẽ tìm cách siết lại tín dụng dài hạn nên tác động trực tiếp đến nguồn vốn của nhà đầu tư. Mặt khác, sau khi triển khai các dự án BOT, một số địa phương quy hoạch lại hệ thống giao thông, đầu tư tiếp đường song hành, khiến phân lưu lượng xe, giảm doanh thu và không hấp dẫn nhà đầu tư PPP giao thông.
Luật PPP ra đời, nhưng các quy định vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Cục trưởng Lê Kim Thành |
“Luật PPP ra đời, nhưng các quy định vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Theo Điều 82, doanh nghiệp thu phí hoàn vốn nếu vượt 132% phải chia sẻ 50% cho Nhà nước, nhưng bị sụt giảm doanh thu dưới 50%, phải trình qua nhiều cấp và huy động nguồn để bù đắp thiếu hụt. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh Luật PPP phù hợp thực tế”, Cục trưởng Lê Kim Thành cho hay. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp xử lý các dự án BOT giao thông, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thu hút nguồn lực rót vốn vào dự án.
Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, mối quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư chưa thật sự là đối tác, chưa hoàn toàn bình đẳng trong triển khai đầu tư dự án theo phương thức PPP, làm nguội lạnh khát vọng của các nhà đầu tư. Hiệp hội đã rà soát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập của Luật PPP hiện nay để đề xuất sửa đổi. Các doanh nghiệp mong muốn Quốc hội, Chính phủ lắng nghe tâm tư các nhà đầu tư để rà soát, chỉnh sửa cơ chế, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn, tạo thuận lợi khi triển khai dự án.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ bày tỏ tri ân đến các doanh nghiệp ngành giao thông đã đóng góp công sức không nhỏ cho sự phát triển của ngành, của đất nước. Một số kiến nghị về hạn chế, tồn đọng trong cơ chế, chính sách các doanh nghiệp nêu ra, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét, nghiên cứu để sớm có những giải pháp tháo gỡ. Hiện, Bộ đang xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có một chương về đường cao tốc, đề nghị các doanh nghiệp là những người thực hiện trong thực tế tập trung nghiên cứu, có những kiến nghị, đề xuất vừa đúng, vừa trúng, giúp Bộ xem xét, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo cho phù hợp.
Nguồn:https://nhandan.vn/thong-dong-von-dau-tu-du-an-ppp-giao-thong-post778821.html
Ý kiến ()