Thống đốc: Ngân hàng phải khẩn trương gỡ vướng hỗ trợ thiệt hại do COVID-19
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.
Bị ảnh hưởng, ngân hàng vẫn chia sẻ khó khăn với khách hàng
Báo cáo nhanh tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tỉ giá, lãi suất và có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện.
Kết quả cụ thể: Cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện cho 166.544 khách hàng, với dư nợ là 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 14.368 khách hàng, với dư nợ là 12.319 tỷ đồng; thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khách hàng là 289.204 khách hàng, với dư nợ là 948.407 tỷ đồng; số lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 146.571 khách hàng, với doanh số cho vay là 511.230 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã gia hạn nợ 102.930 khách hàng, với dư nợ là 2.815 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới 516.688 khách hàng, với dư nợ là 18.825 tỷ đồng.
Dịch COVID-19 đang có những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Tính đến 16/4 tín dụng tăng 0,78% so với cuối năm 2019 là khá chậm.
Theo đánh giá sơ bộ, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải xây dựng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…
“Với diễn biến như hiện nay, dự kiến tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống năm 2020 sẽ có những biến động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cơ cấu nợ gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và phương án phục hồi các TCTD yếu kém”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Tại Hội nghị trực tuyến, các TCTD cũng đã chia sẻ những bước đi triển khai chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đã quát triệt chỉ đạo của NHNN trong toàn hệ thống là “vừa giữ hoạt động ổn định các TCTD nhưng đồng thời cũng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế”.
Vietcombank giảm lãi suất đồng loạt trên toàn hệ thống dù 80% dư nợ tại ngân hàng này bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được giảm lãi suất.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ Ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng gói 100.000 tỷ đồng, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 2,1%.
“Agribank đã xác định lại toàn bộ phương án tài chính, doanh thu năm có thể bị giảm 6 nghìn tỷ, lợi nhuận giảm khoảng 20%…”, ông Thành chia sẻ.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: Với trách nhiệm đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế, VietinBank công bố giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; trong đó, xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể như điện, nước sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh… có thể giảm từ 2-2,5%/năm.
Với các đối tượng còn lại, VietinBank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của DN đó để giảm từ 0,5-1,5%. Với con số tính toán, mức giảm lãi suất, giảm phí như thế thì dự kiện lợi nhuận giảm từ 3 – 4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu.
“Ngân hàng sẽ tăng cường công khai các chương trình tín dụng, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính để mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp dận được nguồn vốn”, ông Lê Đức Thọ cũng khẳng định.
Còn đại diện một ngân hàng TMCP tư nhân, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết: Với các giải pháp đang triển khai để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, SHB dự tính lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng có thể bị giảm 2.308 tỷ đồng, chiếm 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đặc biệt, SHB dự phòng số lượng khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể lên tới 15 nghìn tỷ, với dư nợ trên 100 nghìn tỷ đồng, có thể số lợi nhuận bị ảnh hưởng lên tới 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cắt giảm tối đa thủ tục, nhưng không hạ chuẩn tránh hệ lụy lâu dài
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của các TCTD. “Vừa qua, NHNN cùng các TCTD trên toàn quốc đã vào cuộc quyết liệt nhưng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để đưa được những giải pháp chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời tất cả khó khăn vướng mắc phát sinh của các DN, người dân”, Thống đốc nói.
Thống đốc yêu cầu các NHTM phải triển khai quyết liệt hơn các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. |
Lãnh đạo NHNN chia sẻ: Các TCTD cũng chịu nhiều áp lực vì các đơn vị này hoạt động như một doanh nghiệp. Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai hoàn toàn là tiền huy động từ dân cư không phải từ tiền ngân sách.
Về công việc trong thời gian tới, Thống đốc đề nghị toàn hệ thống quyết liệt hơn trong việc triển khai giải pháp chỉ đạo đồng bộ của Chính phủ và NHNN.
Các TCTD cần xác định: Hỗ trợ cho khách vay vốn, triển khai hỗ trợ đó là có tác dụng cho cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm của chúng ta với hệ thống, nền kinh tế.
Ngay sau cuộc họp này, ngoài các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, tất cả quy định phải được quán triệt, để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, xử lý tháo gỡ các vấn đề.
Thống đốc đề nghị các Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện các Chỉ thị từ NHNN. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Truyền thông phải cập nhật thường xuyên, định kỳ báo cáo số liệu kết quả đạt được.
Thống đốc đề nghị các TCTD bên cạnh các khách hàng là DN, không được quên khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập để xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi.
Các TCTD chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc. Có kết quả kinh doanh thì phải sử dụng để tăng trích lập dự phòng. Trong đó, sử dụng tối đa việc giảm chi phí đó để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế.
Các TCTD phải tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng là để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng nhiều năm tới đây.
“Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN nhưng không được hạ tiêu chuẩn cho vay, tránh hệ lụylâu dài cho nền kinh tế” , Thống đốc Lê Minh Hưng lưu ý lãnh đạo các NHTM.
Ông Lê Minh Hưng cũng nghiêm khắc nêu yêu cầu cán bộ ngân hàng phải đồng hành tháo gỡ khó khăn với khách hàng,“ giám đốc chi nhánh nếu thiếu trách nhiệm gây khó khăn phiền hà, xử lý chậm thì phải xem xét xử lý”.
Dù diễn biến thị trường quốc tế, khu vực còn phức tạp, tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, tăng trưởng, lạm phát, dưới góc độ điều hành vĩ mô, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định sẽ hiện tại NHNN có đủ các công cụ và biện pháp để kiểm soát tốt các cân đối vĩ mô, bảo đảm thực hiện các chỉ đạo, mục tiêu của Chính phủ.
“Chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi, triển khai tốt việc cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay, đây phải coi là nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới”, ông Lê Minh Hưng gợi ý phương hướng tới các lãnh đạo NHTM.
Lãnh đạo NHNN đề nghị các TCTD cần tường minh thông tin, lắng nghe phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm được “vì sao những DN không được vay có sự tương tác để kịp thời tháo gỡ, các Hiệp hội Ngân hàng cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ kiến nghị các tổ chức cá nhân có thẩm quyền để giảm phí…”
“Với sự tập trung quyết liệt và trách nhiệm của toàn ngành ngân hàng, sẽ thực hiện hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc khắc phục khó khăn dịch bệnh, thúc đẩy nền kinh tế sau dịch”, Thống đốc Lê Minh Hưng kỳ vọng.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()