Thông điệp về hòa bình và khát vọng vươn lên
Một triển lãm dù bề thế đến đâu cũng khó có thể kể hết bao câu chuyện đầy nước mắt gắn với bao mảnh đời bất hạnh của nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Song triển lãm “Thảm họa da cam/dioxin-60 năm nhìn lại” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) và cả hình thức trực tuyến (trienlamdacam.vn) được công chúng đón nhận bởi đã góp phần nêu bật thông điệp hòa bình; thức tỉnh lương tri để xoa dịu nỗi đau da cam.
Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại
Có dịp trò chuyện với nhiều cựu chiến binh tham gia chống Mỹ cứu nước, niềm hạnh phúc vô bờ thời hậu chiến của họ là sinh đứa con khỏe mạnh. Dù kinh qua những mặt trận ác liệt nhất, họ đã không bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đó là sự may mắn của số phận sau khi trở về từ mưa bom, bão đạn. Bởi tính ra trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, với diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Triển lãm chủ yếu sử dụng các ảnh tư liệu, không có những thước phim, những mẫu vật… nhưng chừng đó thôi cũng đủ để khiến người xem không khỏi xót xa, đau đớn trước bao cảnh đời của các nạn nhân. Cựu chiến binh Đỗ Đức Địu từng chiến đấu tại chiến trường A Lưới (Thừa Thiên Huế) trở về quê hương Quảng Bình lập gia đình, sinh 15 người con. Nhưng tất cả đều bị di chứng chất độc da cam và 12 người con đã lần lượt ra đi. Hay câu chuyện của em Vũ Lệ Nhật Long (Hà Nam) là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 4, chân tay biến dạng, chỉ nằm một chỗ, cũng khiến người xem day dứt.
Các đại biểu tham quan triển lãm.Ảnh: ĐỨC THUẬN |
Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Không có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau da cam. Đó là thảm họa, là nỗi đau không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của nhân loại trên thế giới”. Cũng giống như nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản, không bao giờ chúng ta muốn người dân ở bất cứ đâu trên thế giới trở thành nạn nhân tiếp theo. Triển lãm thảm họa da cam/dioxin góp thêm một tiếng nói gửi đến thông điệp về hòa bình, chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học ảnh hưởng lâu dài đến con người và môi trường trên toàn cầu.
Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam
Dân tộc Việt Nam đã kiên cường, bền bỉ, đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm để có được hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay. Hậu quả của cuộc chiến tranh, trong đó có thảm họa da cam/dioxin sẽ mất nhiều thời gian hơn thế để khắc phục. Triển lãm “Thảm họa da cam/dioxin-60 năm nhìn lại” đã dành phần lớn không gian trưng bày để thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) xoa dịu nỗi đau da cam và nhất là những tấm gương nạn nhân vươn lên trong đời sống.
Một lần nữa ý chí kiên cường, vượt lên nghịch cảnh của dân tộc Việt Nam tỏa sáng qua triển lãm. Những tín hiệu vui trong cuộc trường chinh khắc phục thảm họa da cam/dioxin xuất hiện ngày càng nhiều, như Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành. Hơn 32ha đất sau khi xử lý được bàn giao kịp thời để thực hiện việc xây dựng mở rộng sân bay Đà Nẵng, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân. VAVA các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước để giúp nạn nhân làm nhà, chữa bệnh, dạy nghề, hỗ trợ học bổng… Ông Hoàng Đức, Chủ tịch VAVA tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Do nguồn lực hạn chế nên sự giúp đỡ các nạn nhân tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên còn chưa được như mong muốn. Chúng tôi hy vọng thông qua triển lãm sẽ kêu gọi nhân dân trong nước và thế giới tiếp tục ủng hộ nạn nhân bằng cả tinh thần, vật chất; đồng hành cùng các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý”.
Với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều người đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, chống lại số phận nghiệt ngã tưởng chừng an bài. Câu chuyện về chị Trần Thị Hoan-một trong hai nạn nhân đại diện cho các nạn nhân da cam sang Mỹ đòi công lý cho nạn nhân; hay Nguyễn Sơn Lâm dù chỉ nặng hơn 20kg nhưng đã tốt nghiệp hai trường đại học, thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm phóng viên thể thao; rồi Nguyễn Thanh Tùng bị mù hai mắt nhưng vẫn có thể biểu diễn piano… là những tấm gương về nghị lực sống, có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội.
Hiện vẫn còn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam. Hơn lúc nào hết, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()